Trước khi Bộ Thương mại Mỹ chính thức công bố về mức tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đạt được là 4,1% trong quý II, mức cao nhất trong gần nửa thập kỷ qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra dự đoán của mình về một con số tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo không nên quá lạc quan về con số tăng trưởng này, bởi đây là kết quả của nhiều yếu tố chỉ có tác dụng một lần.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, mặc dù chưa phải là mức cao nhất kể từ cuộc suy thoái kinh tế chấm dứt vào giữa năm 2009, song mức tăng trưởng hiện nay cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế kể từ quý III năm 2014. So với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I đạt 2,2%, GDP trong quý II đã tăng gần gấp đôi. Tính cả nửa đầu năm, kinh tế Mỹ tăng 3,1%, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 3% mà Tổng thống Trump đã đề ra. Nhu cầu trong nước của Mỹ cũng đạt 4,3% trong quý II vừa qua.
Các nhà kinh tế nhìn chung nhận định động lực khiến nền kinh tế đầu tàu thế giới đạt tăng trưởng ấn tượng trong quý II vừa qua là nhờ việc chính phủ tăng chi tiêu và người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu các khoản tiền có được từ gói cắt giảm thuế 1.500 tỷ USD của chính phủ.
Cụ thể, chi tiêu của các bang và chính quyền địa phương đã tăng 1,4%. Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 5, chi tiêu tiêu dùng đã có sức bật lớn nhất trong gần 4 năm qua, với việc người dân Mỹ "đổ" tiền vào mua sắm ôtô và các dịch vụ chăm sóc y tế, nhà cửa, nhà hàng, khách sạn và các vật dụng tiện ích. Sức mua hàng hóa đã tăng vọt 5,9%, với sự đóng góp lớn nhất từ lĩnh vực buôn bán ô tô, trong khi con số này ở mảng dịch vụ đạt 3,1%.
Tuy nhiên, có một lý do giúp nền kinh tế Mỹ đạt được mức tăng trưởng nhảy vọt này chứ không phải đơn giản là nhờ “phép màu kinh tế” như Tổng thống Trump tuyên bố ngày 27/7, đó là hiệu ứng của những chính sách áp thuế của Washington đối với các mặt hàng nhập khẩu từ nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, và kéo theo các biện pháp trả đũa từ các đối tác của Mỹ.
[Kinh tế Mỹ tăng trưởng ấn tượng, Tổng thống tuyên bố "phép màu"]
Trên thực tế, các doanh nghiệp và nông dân Mỹ đã thực hiện một loạt các biện pháp trước khi chính quyền Tổng thống Trump áp dụng mức thuế quan mới đối với các mặt hàng xuất khẩu của các đối tác thương mại của Mỹ. Nỗi lo ngại về nguy cơ bùng phát "cuộc chiến" áp thuế giữa Mỹ và nhiều quốc gia đã khiến các nhà xuất khẩu nỗ lực cung ứng sản phẩm, qua đó góp phần đáng kể cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Đơn cử như việc người nông dân Mỹ đã tranh thủ xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc trước khi Trung Quốc chính thức áp thuế trả đũa đối mặt hàng này vào đầu tháng 7.
Ngoài ra, theo các nhà kinh tế, còn có các bằng chứng khác cho thấy các doanh nghiệp đang dự trữ hàng hóa để đối phó với giá nhập khẩu cao khi bị tác động bởi các hành động trả đũa đối với các mức thuế quan mà Mỹ đưa ra. Có những ước tính khác nhau về mức độ ảnh hưởng của các hoạt động này đối với mức tăng trưởng vượt bậc này mặc dù nhiều người khẳng định ở mức ổn định là 1,5%. Ông Neal Dutta, nhà kinh tế trưởng của Renaissance Macro Research, nhận định: "Thật mỉa mai khi phần lớn các nhà kinh tế cho rằng căng thẳng thương mại hiện nay tạo đà cho sự tăng trưởng mặc dù nó có tác động tới mức tăng trưởng ở quý II. Tuy nhiên, những tác động này chỉ là tạm thời.”
Một câu hỏi lớn đặt ra là liệu nền kinh tế của Mỹ có thể duy trì tốc độ tăng trưởng này hay không. Trên thực tế, việc đạt được mức tăng trưởng ấn tượng nhờ vào gói cắt giảm thuế được đánh giá sẽ chỉ có tác động ngắn hạn, khi chính sách giảm thuế cùng dự luật chi tiêu tổng thể cho chính phủ có vai trò là kích thích sự tăng trưởng trưởng sẽ bắt đầu hết tác dụng vào năm tới.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang trong quá trình tiếp tục tăng lãi suất, tạo thêm một rào cản nữa cho sự tăng trưởng. Ông Ryan Sweet, một chuyên gia kinh tế của công ty Moody's Analytics dự đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm xuống 2,6% trong năm tới và sau đó sẽ giảm dần tới mức thấp vào năm 2020.
Các chuyên gia kinh tế nhận định hiện nền kinh tế Mỹ vẫn có những động lực cho sự tăng trưởng, như tỷ lệ thất nghiệp giảm, tài sản các hộ gia đình tăng, chi tiêu tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp ổn định, nhưng mối đe dọa hàng đầu đối với mục tiêu tăng trưởng tối đa của Tổng thống Trump lại là chính sách thương mại mà ông đang theo đuổi. Theo ông Jim O’Sullivan, chuyên gia kinh tế trưởng của Mỹ tại High Frequency Economics, thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Liên minh châu Âu rất đáng khích lệ nhưng với Trung Quốc thì khó hơn rất nhiều. Một cuộc chiến thương mại leo thang trong giai đoạn sắp tới sẽ tiếp tục là một rủi ro lớn nhất khiến kinh tế Mỹ đi xuống./.