Hàng chục nhà kinh tế Mỹ và quốc tế đã kêu gọi Washington trả lại Afghanistan 7 tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương bị đóng băng kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền hồi tháng 8/2021 để giúp nước này phục hồi kinh tế.
71 nhà kinh tế và chuyên gia phát triển đã gửi thư đến Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen bày tỏ quan ngại về tình hình kinh tế và nhân đạo tại Afghanistan cũng như ảnh hưởng từ chính sách của Washington đối với tình hình tại nước này.
Nội dung lá thư có đoạn nêu rõ nếu không được sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối, Ngân hàng trung ương Afghanistan sẽ không thể thực hiện những chức năng cơ bản.
Một khi ngân hàng trung ương không thể vận hành bình thường thì nền kinh tế Afghanistan có thể sẽ sụp đổ.
Hiện 70% số hộ gia đình Afghanistan không thể lo đủ các nhu cầu cơ bản, khoảng 22,8 triệu người (hơn 50% dân số) không được đảm bảo an ninh lương thực và 3 triệu trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
Các nhà kinh tế và các chuyên gia lo ngại tình hình ngày càng tồi tệ hơn khi Mỹ từ chối trả lại cho ngân hàng trung ương Afghanistan 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong khi các nước Anh, Đức và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đang đóng băng 2 tỷ USD.
[Mỹ công bố dự luật mới liên quan đến người tị nạn Afghanistan]
Lá thư có đoạn nêu rõ những nguồn dự trữ kể trên có vai trò quan trọng giúp nền kinh tế Afghanistan vận hành suôn sẻ, đặc biệt trong quản lý nguồn cung tiền, ổn định đồng nội tệ, chi trả cho hàng hóa nhập khẩu (chủ yếu là thực phẩm và dầu) mà người dân nước này đang rất cần.
Các chuyên gia cũng cho rằng đề xuất mới đây của Mỹ về việc hoàn trả một nửa số dự trữ ngoại hối cho Afghanistan chưa đủ để giúp khôi phục nền kinh tế bị tàn phá của nước này.
Liên quan tình hình Afghanistan, một máy bay chở 300 người Afghanistan từng làm việc cho chính phủ Tây Ban Nha cùng các thân nhân đã bay từ Pakistan đến thủ đô Madrid tối 10/8, một năm sau khi lực lượng Taliban trở lại nắm quyền tại Kabul.
Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares đã có mặt tại căn cứ không quân Torrejon de Ardoz ở Madrid để gặp gỡ những người Afghanistan mới đến sau khi máy bay hạ cánh vào khoảng 22h15 theo giờ địa phương.
Phát biểu với các phóng viên tại sân bay, Ngoại trưởng Albares cho biết chính phủ Tây Ban Nha sẽ hỗ trợ những người mới đến hòa nhập với môi trường nước sở tại.
Cũng giống như những nước phương Tây khác, Madrid đã tìm cách sơ tán những người Afghanistan từng hỗ trợ binh lính và nhân viên ngoại giao Tây Ban Nha ra nước ngoài khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát trên toàn Afghanistan.
Tây Ban Nha đã đưa hơn 2.000 người Afghanistan ra nước ngoài trong chiến dịch sơ tán này.
Tuy nhiên, các chuyến bay sơ tán người Afghanistan đã tạm dừng sau khi quân đội Mỹ phụ trách bảo vệ sân bay Kabul rút khỏi nước này vào cuối tháng 8/2021.
Từ đó đến nay, Tây Ban Nha đã thực hiện nhiều chuyến bay đưa người những Afghanistan đã sang Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đến Madrid.
Trong gần 20 năm xung đột tại Afghanistan, Madrid đã cử khoảng 27.000 binh lính tới quốc gia này./.