“Cuộc chiến” về nâng trần nợ công lại xuất hiện ở Mỹ, khiến các nhà đầu tư thêm lo lắng về thị trường trong năm nay.
Giới phân tích cho biết thời hạn để Chính phủ Mỹ tăng trần nợ lên 31.400 tỷ USD có thể đến sớm hơn dự kiến, kéo theo nguy cơ nền kinh tế lớn nhất thế giới vỡ nợ và dẫn tới những tác động lan rộng khắp các thị trường tài chính toàn cầu.
Trong thập kỷ qua, bế tắc lập pháp liên quan tới trần nợ công tại Mỹ phần lớn đều được giải quyết trước khi ảnh hưởng của chúng có thể lan ra ra thị trường.
[Mỹ: Đảng Cộng hòa đề xuất tăng trần nợ công thêm 1.500 tỷ USD]
Tuy nhiên, kịch bản đó không phải lúc nào cũng xảy ra: tình trạng bế tắc kéo dài trong năm 2011 đã khiến Standard & Poor's lần đầu tiên hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ, khiến thị trường tài chính chao đảo.
Lần này, một số nhà đầu tư lo ngại việc đảng Cộng hòa đang chiếm đa số trong Quốc hội có thể khiến khả năng hai đảng đạt được thỏa hiệp lần này trở nên khó khăn hơn.
Thời hạn ngày một tới gần
Hồi tháng Một, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen từng cho biết, chính phủ chỉ có đủ ngân sách cho đến đầu tháng Sáu mà không cần tăng giới hạn chi tiêu mới đạt được vào thời điểm đó.
Một số nhà phân tích đã dự báo ngày X - thời điểm chính phủ sẽ cạn kiệt tiền mặt và khả năng vay mượn - vào khoảng quý 3/2023 hoặc quý 4/2023. Nhưng nguồn thu thuế thấp hơn dự kiến cho mùa khai thuế tháng Tư có thể kéo thời hạn đó tới gần.
Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs ước tính rằng nếu nguồn thu thuế tháng Tư giảm từ 35% trở lên so với cùng kỳ năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ có thể công bố nước này sẽ chạm trần nợ công đầu tháng Sáu. Nhưng nếu các khoản thu giảm dưới 30%, nhiều khả năng thời hạn trên sẽ lùi xuống tháng Bảy.
Tương tự, các nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính BMO Capital Markets cho biết, trong khi Bộ Tài chính Mỹ từng có thời điểm được coi là có đủ ngân sách để chi tiêu đến tháng Tám, thậm chí tháng Chín, thời hạn ngày X hiện đã được kéo tới tháng Sáu, thậm chí sớm nhất là vào cuối tháng Năm.
Để đối phó với kịch bản chạm trần nợ, Bộ Tài chính Mỹ có thể sử dụng các nguồn tiền mặt đang nắm giữa cùng các biện pháp bất thường khác.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen dự kiến trong vài ngày tới sẽ đưa ra sửa đổi cho thời điểm ngày X.
Tính tới ngày 18/4 (thời hạn nộp thuế hàng năm tại Mỹ), tổng số tiền thuế nộp lên Bộ Tài chính nước này là 129,82 tỷ USD. Khoản nêu trên đã nâng tổng số tiền gửi vào tài khoản của Bộ này tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lên 283,53 tỷ USD vào cùng ngày, với số dư cuối kỳ là 252,55 tỷ USD sau khi rút tiền.
Rủi ro với thị trường tài chính
Khi nợ công chạm mức trần, Bộ Tài chính Mỹ không thể phát hành thêm bất kỳ tín phiếu, trái phiếu hay thương phiếu nào. Bộ này chỉ có thể thanh toán tín phiếu thông qua các khoản thu thuế.
JPMorgan cho hay các dấu hiệu căng thẳng trên thị trường tín phiếu kho bạc thường diễn ra 2-3 tháng trước thời điểm chính phủ không còn có thể đáp ứng tất cả các nghĩa vụ nợ một cách đầy đủ và đúng hạn, trong khi Quốc hội không có hành động.
Theo một số nhà phân tích, việc một số tín phiếu Kho bạc (T-bill) đang có lợi tức cao hơn do bao gồm cả mức bảo hiểm rủi ro có thể là dấu hiệu về khả năng vỡ nợ cao hơn cho nước Mỹ.
Tính tới phiên 20/4, lợi suất tín phiếu kho bạc kỳ hạn ba tháng đã đạt mức cao mới của 22 năm là 5,318%.
Ông Steve Sosnick, chiến lược gia trưởng của công ty môi giới đầu tư Interactive Brokers, cho biết những diễn biến trên thị trường tín phiếu Kho bạc cho thấy các quỹ đang tránh những tín phiếu có thể bị ảnh hưởng bởi việc chính phủ đóng cửa.
Dữ liệu từ công ty theo dõi và phân tích thị trường S&P Global Market Intelligence cho hay, chênh lệch trên các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng kỳ hạn 5 năm của Mỹ - thước đo rủi ro vỡ nợ dựa trên thị trường - đã tăng lên 50 điểm cơ bản, cao hơn gấp đôi so với mức ghi nhận hồi tháng Một.
Chi phí bảo hiểm một năm cho trái phiếu Mỹ trong trường hợp vỡ nợ cũng ở mức hơn 100 điểm cơ bản - cao hơn nhiều so với con số của năm 2011, thời điểm bế tắc về trần nợ đã dẫn đến lần hạ bậc tín dụng đầu tiên của nước này.
Điều gì xảy ra khi Mỹ vỡ nợ?
Theo giới chuyên gia, nguy cơ vỡ nợ gia tăng tại Mỹ có thể thúc đẩy một số nhà đầu tư chuyển tiền sang chứng khoán quốc tế và trái phiếu chính phủ nước ngoài. Đồng thời, khả năng vỡ nợ tiềm ẩn cũng có thể dẫn đến một đợt tháo chạy sang các thị trường trú ẩn an toàn, đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc xuống thấp hơn.
Vào năm 2011, bế tắc chính trị ở Washington về trần nợ đã khiến Standard & Poor's bỏ mức xếp hạng tín dụng AAA của nước này, gây ra một đợt bán tháo cổ phiếu và đưa nước Mỹ đến bờ vực vỡ nợ.
Goldman Sachs trong một ghi chú nghiên cứu cho biết chỉ số S&P 500 đã giảm 15% trong cuộc khủng hoảng năm 2011. Các cổ phiếu có doanh số bán hàng liên quan nhiều nhất tới chi tiêu liên bang của Chính phủ Mỹ giảm 25% vào cùng giai đoạn trên.
Hồi năm 2021, một số suy yếu trên thị trường chứng khoán và sự bất thường trong định giá tín phiếu Kho bạc ngắn hạn cho thấy mối lo ngại ngày một gia tăng, khi Quốc hội đối mặt với thời hạn cấp ngân sách cho chính phủ và giải quyết trần nợ ngày một gần.
Một vụ vỡ nợ thực tế của Mỹ có thể dấy lên những “làn sóng” chấn động khắp thị trường tài chính toàn cầu.
Các nhà đầu tư sẽ mất niềm tin vào khả năng thanh toán trái phiếu của Mỹ, vốn được coi là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất và đóng vai trò là nền tảng xây dựng cho hệ thống tài chính thế giới.
Ông David Kelly, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại chi nhánh quản lý tài sản của ngân hàng J.P. Morgan, cho biết, kịch bản đó nếu xảy ra sẽ để lại một số vết sẹo khó lành, bao gồm cả việc gia tăng vĩnh viễn chi phí tài trợ cho các khoản nợ liên bang của Mỹ./.