Tin tức về thương vụ ngân hàng First Citizens mua lại SVB, sau khi những nỗ lực bán ngân hàng này trước đó đã thất bại, và một cuối tuần vừa trôi qua một cách bình yên mà không có thêm tin xấu nào đã giúp củng cố niềm tin của thị trường, và đẩy cổ phiếu của nhiều ngân hàng khu vực ở Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch 27/3.
Những chỉ báo rộng hơn về mức độ căng thẳng của thị trường tài chính cũng có dấu hiệu khả quan hơn, khi lợi suất trái phiếu chính phủ phục hồi và đồng euro đã tăng lên so với đồng USD.
Ông Danni Hewson, người đứng đầu bộ phận phân tích tài chính của công ty cung cấp các nền tảng đầu tư trực tuyến và dịch vụ môi giới chứng khoán AJ Bell, cho biết cuối tuần vừa qua, lĩnh vực ngân hàng đã “nín thở” chờ xem liệu tuần mới có bắt đầu với một cái tên ngân hàng khác cần giải cứu hay không.
[Vụ SVB phá sản: First Citizens Bank đạt thỏa thuận mua lại SVB]
Và giờ đây, ông Hewson cho biết thương vụ First Citizens mua lại SVB đã phần nào trấn an thị trường.
Theo thỏa thuận, ngân hàng First Citizens Bank - thuộc sở hữu của First Citizens BancShares Inc. - sẽ nắm giữ khối tài sản trị giá 110 tỷ USD của SVB, 56 tỷ USD tiền gửi và các khoản vay lên tới 72 tỷ USD.
First Citizens cho biết công ty sau khi sáp nhập sẽ có khả năng phục hồi với danh mục cho vay và tiền gửi đa dạng.
First Citizens khẳng định phương pháp quản lý rủi ro thận trọng sẽ tiếp tục bảo vệ khách hàng và cổ đông trong mọi chu kỳ kinh tế và điều kiện thị trường.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết First Citizens Bank, trụ sở chính tại Bắc Carolina, là ngân hàng thương mại lớn thứ 30 tại Mỹ với giá trị tài sản ròng khoảng 110 tỷ USD tính tới tháng 12/2022.
Việc First Citizens tiếp quản và mua lại lượng lớn tài sản của SVB là tín hiệu khả quan đối với ngành ngân hàng Mỹ, đồng thời cho thấy hướng đi của Fed và FDIC trong việc xử lý vụ phá sản lớn này đang đi đúng hướng.
Sau khi thông tin về thương vụ trên được công bố, cổ phiếu của First Citizens đã tăng đến 53,7% trong phiên giao dịch 27/3.
Diễn biến này cũng thúc đẩy cổ phiếu của các ngân hàng khu vực nhỏ hơn khác, trong đó có First Republic, vốn đang là đối tượng soi xét của giới đầu tư, với giá cổ phiếu tăng gần 12%.
Bên cạnh đó, các ngân hàng khu vực Western Alliance Bancorp và PacWest Bancorp đều tăng hơn 13%. Các “ông lớn” như JPMorgan Chase & Co, Citigroup và Bank of America cũng tăng từ 2,9-5%.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nhóm cổ phiếu ngân hàng ở châu Âu cũng phục hồi sau một phiên chao đảo trước đó.
Đáng chú ý, cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất nước Đức Deutsche Bank tăng 6,2% sau khi giảm đến 8,5% trong phiên cuối cùng của tuần trước, cùng với sự tăng mạnh trong chi phí bảo hiểm cho trái phiếu của ngân hàng này trước rủi ro phá sản./.