Đa số các chủ doanh nghiệp Anh muốn tiếp tục thực hiện các quy định của Liên minh châu Âu (EU) về hàng hóa và dịch vụ nhằm duy trì những mối quan hệ thương mại và làm ăn hiện tại của mình.
Kết quả một khảo sát do Viện Các nhà quản lý (IOD) thực hiện đối với hơn 900 doanh nghiệp ở Anh cho thấy 51% số lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi muốn duy trì mức độ tiếp cận hiện nay với thị trường chung của EU, nhằm bảo đảm tính liên tục với những kế hoạch kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, cũng có gần 25% trong số này lại muốn có những thay đổi về quy định quản lý sau khi rời EU, ngay cả khi những thay đổi này khiến cho hoạt động thương mại giữa Anh và thị trường chung của EU trở nên khó khăn hơn.
Hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết họ không thể lên kế hoạch trước về việc phải làm như thế nào để điều chỉnh mô hình kinh doanh hoặc chuỗi cung cấp của mình trước khi Anh rời EU. Với việc có đến 46% số doanh nghiệp được hỏi quyết định hoãn việc hoạch định những chiến lược phát triển mới của mình, khảo sát của IOD cho rằng “vẫn tồn tại những câu hỏi đáng lo ngại về việc một lượng đáng kể các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng đến mức độ nào cho việc tiếp nhận những quy định mới khi chúng có hiệu lực.”
Chỉ có gần 10% số doanh nghiệp được hỏi cho biết đã triển khai việc thực hiện kế hoạch dự phòng về tác động của việc Anh rời khỏi EU (Brexit) trong khi có đến 33% số doanh nghiệp được hỏi thừa nhận không có ý định nào về việc lên kế hoạch ứng phó với Brexit.
[Anh cam kết duy trì tự do đi lại giữa khu tài chính London với EU]
Cuộc khảo sát cũng cho thấy việc đồng bảng Anh mất giá chỉ giúp gia tăng doanh số xuất khẩu của khoảng 17% số doanh nghiệp. Trong khi gần 75% số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ hầu như không ghi nhận sự gia tăng đáng kể nào về xuất khẩu.
Quy chế của các công dân EU tại Anh sau Brexit cũng là một mối quan tâm chính đối với các lãnh đạo doanh nghiệp Anh. Theo khảo sát, có đến 40% số doanh nghiệp được hỏi thuê người lao động là công dân EU và 50% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng vấn đề quyền lợi của các công dân EU làm việc tại Anh nên được giải quyết trước bất kỳ vấn đề nào khác trong thỏa thuận Brexit.
Bà Allie Renison, phụ trách chính sách thương mại với EU của IOD, cho biết: “Các doanh nghiệp rất chờ đợi Anh và EU sớm đạt được thỏa thuận về vấn đề quyền công dân EU tại Anh sau Brexit. Ngoài ra, một thỏa thuận về giai đoạn chuyển tiếp cũng là một ưu tiên lớn, nhằm giúp cho các công ty không phải đưa ra những quyết định vội vàng trong việc điều chỉnh hoạt động kinh doanh”./.