Giới phân tích hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của Singapore

Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore được dự báo sẽ ở mức 3,8% trong cả năm, thấp hơn mức 4% được đưa ra trong cuộc khảo sát được công bố vào tháng Ba vừa qua.
Các tàu chở hàng tại cảng Singapore. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo cuộc khảo sát hàng quý được Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) công bố mới đây, trong bối cảnh lạm phát gia tăng mạnh hơn dự kiến và hoạt động kinh tế chậm lại ở Trung Quốc cùng với những rủi ro suy giảm trên toàn cầu tác động đến nền kinh tế của Đảo quốc Sư tử, các nhà phân tích khu vực tư nhân đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của nước này.

Cụ thể, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore được dự báo sẽ ở mức 3,8% trong cả năm, thấp hơn mức 4% được đưa ra trong cuộc khảo sát được công bố vào tháng Ba vừa qua.

Tăng trưởng quý 2/2022 được dự báo đạt 4,8%, thấp hơn so với mức tăng 3,7% của quý 1. Tuy nhiên, dự báo GDP của nước này cho năm 2023 không đổi ở mức 3%.

88,2% ý kiến (tăng so với 77,8% trong cuộc khảo sát trước đó) cho rằng rủi ro suy giảm đối với triển vọng tăng trưởng của Singapore là sự gia tăng lạm phát mạnh hơn dự kiến, chủ yếu do giá năng lượng và lương thực tăng cao.

Cũng trong cuộc khảo sát này, các nhà phân tích cũng nâng dự báo lạm phát của Singapore. Theo đó, lạm phát tổng thể cho cả năm 2022 dự kiến sẽ là 5%, tăng so với mức 3,6% trong cuộc khảo sát trước đó.

[Kinh tế Singapore dự báo tiếp đà phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022]

Dự báo về lạm phát cơ bản (không bao gồm chi phí đi lại tư nhân và nhà ở) đã được nâng từ 2,7% lên 3,4%.

Các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát tổng thể và cơ bản của Singapore sẽ giảm bớt trong năm tới. Lạm phát tổng thể được dự báo là 3% vào năm 2023, trong khi lạm phát cơ bản dự kiến sẽ giảm xuống 2,8%.

Cuối tháng Năm vừa qua, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore đã đưa ra cảnh báo rằng tăng trưởng của nước này có thể sẽ chỉ đạt 3-4% do cuộc chiến ở Ukraine làm gián đoạn nguồn cung năng lượng, thực phẩm và các mặt hàng khác trên toàn cầu, trong khi áp lực lạm phát trên toàn thế giới trở nên ngày càng tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng lạc quan cho rằng khi Singapore và các nước khác trong khu vực mở cửa trở lại và nối hoạt động đi lại xuyên biên giới, các lĩnh vực dịch vụ như lưu trú, ăn uống, vận tải và bán lẻ vốn bị ảnh hưởng tiêu cực kéo dài bởi dịch bệnh trong hai năm qua sẽ bắt đầu khởi sắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục