Giới phân tích: Italy có khả năng tổ chức tổng tuyển cử trước hạn

Theo trang www.thelocal.it ngày 31/1, Phó Thủ tướng Matteo Salvini, sẽ "thiết kế một cuộc khủng hoảng chính trị nhằm tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn" ở đất nước hình chiếc ủng trong năm nay.
Giới phân tích: Italy có khả năng tổ chức tổng tuyển cử trước hạn ảnh 1Phó Thủ tướng Matteo Salvini. (Nguồn: Reuters)

Trang www.thelocal.it ngày 31/1 dẫn báo cáo của Bộ phận phân tích thông tin (EIU) thuộc tạp chí Economist của Anh dự báo rằng lãnh đạo đảng cực hữu Liên đoàn ở Italy, Phó Thủ tướng Matteo Salvini, sẽ "thiết kế một cuộc khủng hoảng chính trị nhằm tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn" ở đất nước hình chiếc ủng trong năm nay.

Cũng theo báo cáo của EIU, nền kinh tế của Italy hầu như sẽ không tránh khỏi tình trạng suy thoái, cả với chi tiêu tiêu dùng lẫn đầu tư dự kiến đều sẽ bị giảm sút.

Peter Ceretti, nhà phân tích thuộc EIU, phát biểu trên trang www.thelocal.it: “Chúng tôi dự kiến ông Salvini sẽ tìm cách thiết kế một cuộc khủng hoảng chính trị vào cuối năm nay nhằm đưa đến cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào cuối năm 2019, hoặc nhiều khả năng hơn là trong nửa đầu của năm 2020.”

Theo nhà phân tích Peter Ceretti, mục tiêu cuối cùng của ông Salvini là thay thế vị trí của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, trở thành nhà lãnh đạo của liên minh cánh hữu (bao gồm các đảng trung hữu và cực hữu). Đảng Liên đoàn sẽ “có vị thế thuận lợi và sẽ trở thành chính đảng lớn nhất của Italy nếu nước này tổ chức bầu cử trước thời hạn.”

Tỷ lệ ủng hộ đối với đảng Liên đoàn hiện đang ngày càng gia tăng. Đảng này từng giành được khoảng 17% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử hồi tháng 3/2018 và tỷ lệ ủng hộ hiện nay khoảng 32%.

Mặc dù ông Salvini hiện đang là đồng phó thủ tướng cùng với lãnh đạo đảng dân túy Phong trào Năm sao (M5S) Luigi Di Maio, nhưng quan điểm chống nhập cư của ông ta đã chi phối chính trường Italy kể từ khi đảng Liên đoàn thành lập chính phủ liên minh với M5S vào tháng 6/2018.

Từ đó đến nay, đảng Liên đoàn đã không ngừng gia tăng ảnh hưởng và nắm giữ vị trí lèo lái đất nước, trong khi vị thế của M5S ngày càng bị lu mờ.

Giới phân tích dự kiến sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu được tổ chức vào tháng Năm tới bởi theo họ, đảng Liên đoàn có thể sẽ đưa ra những lập trường, quan điểm chống EU nhằm duy trì sự ủng hộ của số cử tri vốn ủng hộ đảng này bấy lâu nay.

Ngoài ra, ông Salvini cũng dự kiến sẽ tìm cách củng cố những căn cứ địa mới của đảng Liên đoàn bên ngoài căn cứ địa chính của họ ở khu vực miền Bắc giàu có trong các cuộc bầu cử địa phương sắp tới.

Nhà phân tích Ceretti nhận định các cuộc bầu cử địa phương ở Italy, như ở vùng Abruzzo và Sardegna vào tháng Hai này, vùng Basilicata vào tháng Ba tới, vùng Piemonte vào tháng Năm tới và các vùng Calabria, Emilia Romagna vào tháng 11 năm nay, “sẽ tạo cho đảng Liên đoàn cơ hội để củng cố quyền lực trên khắp cả nước.”

[Chính phủ liên minh của Italy đã tránh được nguy cơ sụp đổ]

Trong khi căn cứ ủng hộ đối với đảng M5S chủ yếu chỉ nằm ở khu vực miền Nam vốn nghèo hơn, đảng Liên đoàn của ông Salvini cho đến nay đã thu hút được sự ủng hộ của nhiều cử tri ở trên khắp cả nước, kể cả các vùng ở miền Nam.

Tỷ lệ ủng hộ đối với đảng M5S đã bị sụt giảm kể từ cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 3/2018 và hiện thấp hơn nhiều so với tỷ lệ ủng hộ đối với đảng Liên đoàn.

Lâu nay, cả hai đảng này luôn cạnh tranh lẫn nhau về những ưu tiên chính sách trong quá trình lãnh đạo đất nước và điều này đang gây nên những rạn nứt, mâu thuẫn trong nội bộ chính phủ liên minh. Sự rạn nứt này có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Italy bị sụt giảm và cuộc tranh chấp với Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến chính sách tài khóa của Rome bùng phát trở lại.

Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động tài khóa của Italy sau cuộc tranh cãi giữa hai bên liên quan đến dự thảo ngân sách năm 2019 của Rome.

Bất kỳ dấu hiệu vi phạm nào của Italy đều có khả năng khiến nước này phải đối mặt với những cảnh báo nghiêm khắc và nó có thể khiến các nhà đầu tư lo ngại cũng như đẩy chi phí vay mượn của chính phủ tăng cao trở lại.

EIU dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Italy sẽ chậm lại đáng kể, xuống còn khoảng 0,2%, thấp hơn nhiều so với mức ước tính 0,9% cho năm 2018. Cả chi tiêu tiêu dùng và đầu tư cũng sẽ bị sụt giảm.

Một vấn đề gây áp lực khác là ông Salvini hiện đang có khả năng phải đối mặt với một vụ án hình sự. Cụ thể là vị Phó Thủ tướng này có thể bị buộc tội “lạm dụng quyền lực và giam giữ con tin” do đã không cho phép một con tàu chở những người di cư được giải cứu trên biển cập cảng Italy hồi mùa Hè năm ngoái.

Số người di cư này từng phải ở trên tàu trong 5 ngày trước khi được cho phép lên bờ. Điều đó đang đặt M5S vào tình thế khó khăn: M5S, vốn chủ trương chống tham nhũng, lâu nay tuyên bố rằng bất kỳ vị bộ trưởng nào bị điều tra về một tội danh nào đó nên bị sa thải. Nhưng ông Di Maio dự kiến sẽ không yêu cầu ông Salvini từ chức. Trước mắt, M5S được cho là sẽ vẫn tiếp tục nhượng bộ đảng Liên đoàn.

Tuy nhiên, nhiều hiểm nguy vẫn đang rình rập đảng của ông Salvini. Thứ nhất, do chính phủ M5S-Liên đoàn có tỷ lệ ủng hộ khá cao, nên bất kỳ động thái nào của ông Salvini nhằm tổ chức bầu cử trước thời hạn đều khiến các cử tri vốn đang hài lòng với chính phủ hiện tại cho rằng ông ta là người “cơ hội.”

Thứ hai, chính Tổng thống Italy Sergio Mattarella, chứ không phải quốc hội, mới là nhân vật quyết định có tổ chức bầu cử trước thời hạn hay không. Nếu như ông Salvini từ chức nhằm gây nên một cuộc khủng hoảng chính phủ, điều này sẽ khiến Tổng thống phải vào cuộc và nắm giữ vị trí “cầm trịch.”

Quyền kiểm soát tình hình lúc đó sẽ thuộc về Tổng thống chứ không còn nằm trong tay ông Salvini như hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.