Dù Singapore phải siết chặt hơn các biện pháp hạn chế nhằm đối phó với làn sóng dịch COVID-19, song khảo sát mới nhất của Cơ quan Tiền tệ Singapore (ngân hàng trung ương - MAS) cho thấy các nhà phân tích khu vực kinh tế tư nhân vẫn nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Đảo quốc Sư tử trong năm nay lên mức 6,5%, cao hơn mức từ 4-6% mà chính phủ đưa ra trước đó.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, trên thực tế, trong quý 1/2021, kinh tế Singapore đã tăng trưởng 1,3%, trái ngược với dự báo giảm 1,1% được các nhà phân tích đưa ra trước đó.
Những người tham gia khảo sát của MAS kỳ vọng nền kinh tế Singapore sẽ tăng trưởng 15% trong quý 2/2021 so với cùng kỳ năm ngoái, quãng thời gian ghi nhận nền kinh tế suy giảm 13,2% - mức kỷ lục từ trước tới nay của nước này.
[Tín hiệu tích cực của thị trường việc làm tại Singapore]
Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore trong năm 2022 cũng được dự báo tăng 4%, cao hơn mức 3,8% được đưa ra trong cuộc khảo sát hồi tháng Ba vừa qua.
Theo các nhà phân tích, các biện pháp hạn chế nhằm đối phó với dịch COVID-19 được áp dụng tại Singapore trong những tuần gần đây dự kiến sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến bức tranh phục hồi kinh tế chung của nước này.
Nhà kinh tế Song Seng Wun thuộc ngân hàng tư nhân CIMB khẳng định nền kinh tế Singapore đã ghi nhận kết quả hoạt động tích cực hơn dự báo trong quý 1/2021, đồng thời cho rằng hầu hết các lĩnh vực ở nước này vẫn có thể hoạt động dù các biện pháp hạn chế được áp dụng trong giai đoạn cảnh báo cao độ.
Việc ngăn chặn hiệu quả đợt bùng phát COVID-19 là yếu tố quan trọng nhất để các chuyên gia kinh tế nâng triển vọng tăng trưởng của Singapore.
Bên cạnh đó, hiệu suất của lĩnh vực sản xuất tích cực hơn mong đợi, một phần do nhu cầu mạnh mẽ về thiết bị điện tử trên toàn cầu, cũng là một yếu tố tích cực.
Chưa kể, triển vọng tích cực của việc mở lại biên giới giữa các nước cũng được coi là một lợi ích cho tăng trưởng kinh tế.
Đối với lĩnh vực sản xuất chủ chốt - được dự báo tạo ra động lực quan trọng cho nền kinh tế Singapore, các nhà kinh tế đã nâng dự báo tăng trưởng của lĩnh vực này lên 8,3% trong năm 2021, cao hơn mức 4,7% đưa ra trong dự báo hồi tháng Ba vừa qua.
Dự báo tăng trưởng xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ cũng được nâng lên 7,5% từ mức 6,9%, phản ánh tâm lý lạc quan đối với thương mại toàn cầu.
Tỷ lệ thất nghiệp của Singapore có thể ở mức 2,7% vào cuối năm 2021, giảm so với mức 2,9% được đưa ra trong dự báo hồi tháng Ba vừa qua.
Dẫu vậy, các nhà phân tích kinh tế vẫn đề cập tới nguy cơ tình hình đại dịch COVID-19 xấu đi và việc siết chặt hơn các biện pháp hạn chế có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng.
Các nhà kinh tế được thăm dò ý kiến cũng quan ngại về những rủi ro địa chính trị, trong đó có những rủi ro xuất phát từ căng thẳng Mỹ-Trung Quốc và sự phục hồi thị trường lao động chậm hơn dự kiến, có thể ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng tư nhân.
Khảo sát của MAS cũng cho thấy lạm phát trong năm 2021 của Singapore, được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng cho tất cả mặt hàng, dự kiến sẽ ở mức 1,4% trong năm, cao hơn mức dự báo trung bình là 0,9% đưa ra hồi tháng 3.
Cuộc khảo sát này của MAS có sự tham gia của 24 chuyên gia kinh tế và không phản ánh dự báo của riêng MAS./.