Giới trẻ Việt hào hứng trò chuyện với giáo sư đoạt giải Nobel Vật lý

Hàng nghìn học sinh, sinh viên tỉnh Bình Định và nhiều bạn trẻ yêu khoa học trên cả nước đã hào hứng đặt câu hỏi cho giáo sư Jerome Isaac Friedman.
Giới trẻ Việt hào hứng trò chuyện với giáo sư đoạt giải Nobel Vật lý ảnh 1Giáo sư Jerome Isaac Friedman. (Ảnh: Hoàng Kha/TTXVN)

“Tôi hy vọng, sau 30 năm nữa, một số bạn trẻ ở đây sẽ sử dụng các máy gia tốc hiện đại để tìm ra các bí ẩn về hạt Quark cũng như các thành phần nhỏ nhất của vũ trụ." Đó là lời động viên của giáo sư đoạt giải Nobel Vật Lý năm 1990 Jerome Isaac Friedman với học sinh, sinh viên Việt Nam trong buổi chia sẻ “Chúng ta có thực sự được tạo thành từ các hạt Quark,” diễn ra chiều 8/8, tại Trường Đại học Quy Nhơn, thành phố Quy Nhơn.

Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14 do Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức.

Mở đầu bài thuyết trình, giáo sư Jerome Isaac Friedman khẳng định từ cái bàn, quả táo hay cơ thể chúng ta đều được hình thành từ các hạt Quark, một hạt cơ bản sơ cấp và là thành phần cơ bản của vật chất. Các Quark kết hợp với nhau tạo nên các hạt tổ hợp còn gọi là các hadron, với những hạt ổn định nhất là proton và neutron - những hạt thành phần của hạt nhân nguyên tử.

Hàng nghìn học sinh, sinh viên tỉnh Bình Định và nhiều bạn trẻ yêu khoa học trên cả nước đã hào hứng đặt câu hỏi cho giáo sư. Em Bùi Lê Nhất, lớp 12 Toán, Trường quốc tế TH School, thành phố Hà Nội đã tự mua vé máy bay vào thành phố Quy Nhơn khi biết chương trình nói chuyện của giáo sư Jerome Isaac Friedman.

Bùi Lê Nhất đã đặt câu hỏi tại sao trong hạt nhân nguyên tử có các hạt proton cùng mang điện tích dương mà lại không đẩy nhau? Giáo sư trả lời rằng chúng có đẩy nhau nhưng chúng bị tác động của lực tương tác mạnh (strong force), là một trong bốn tương tác cơ bản của tự nhiên nên vẫn giữ được sự ổn định. Bùi Lê Nhất nhận thấy buổi giao lưu đã tạo thêm cơ hội để tiếp cận với nền khoa học tiên tiến của thế giới.

[Gần 100 nhà khoa học tham dự Hội nghị Vật lý học quốc tế]

Theo giáo sư Jerome Isaac Friedman, những nhà khoa học Việt Nam, đặc biệt các nhà nghiên cứu trẻ tiềm ẩn nhiều khả năng nghiên cứu khoa học. Ông cho rằng đất nước Việt Nam sẽ có tương lai tốt đẹp nếu Việt Nam biết sử dụng và phát huy tiềm năng con người, sức mạnh của khoa học, công nghệ.

Ngoài nghiên cứu ứng dụng, việc đầu tư cho khoa học cơ bản là cần thiết, dù chưa đóng góp ngay cho kinh tế-xã hội nhưng nó tạo ra đột phá và mở ra định hướng cho nghiên cứu ứng dụng, qua đó đóng góp vào sự phát triển của các quốc gia trên thế giới.

Giáo sư Jerome Isaac Friedman (sinh ngày 28/3/1930 tại Chicago, Illinois, Hoa Kỳ) là nhà vật lý người Hoa Kỳ đã đoạt Giải Nobel Vật lý năm 1990 cùng với Henry Kendall và Richard E. Taylor cho "Công trình nghiên cứu tiên phong của họ về tán xạ phi đàn hồi sâu của các electron trên các proton và neutron liên kết, là công trình có tầm quan trọng thiết yếu cho sự phát triển của mô hình Quark trong ngành vật lý hạt.”

Giáo sư là học trò của nhà vật lý vĩ đại Enrico Fermi, ông tổ của bom nguyên tử và lò phản ứng hạt nhân. Ông đang là giáo sư danh dự và làm việc tại Trường Công nghệ Massachusetts (MIT), Boston, Hoa Kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.