Giữ gìn bản sắc văn hóa trong gia đình Ireland nhận con nuôi Việt

Không chỉ lo cái ăn, cái mặc, lo việc học hành, vui chơi, nhiều cha mẹ người Ireland nhận con nuôi Việt còn tìm mọi cách giữ gìn bản sắc văn hóa Việt cho những đứa con nuôi thân yêu trong mỗi "mái ấm" Ireland.
Giữ gìn bản sắc văn hóa trong gia đình Ireland nhận con nuôi Việt ảnh 1Đại sứ Nguyễn Văn Thảo (giữa) với các gia đình Ireland nhận con nuôi Việt Nam. (Ảnh: Lê Phương/Vietnam+)

Dù không "mang nặng, đẻ đau," nhưng nhiều cha mẹ người Ireland nhận con nuôi Việt đã vượt qua biết bao khó khăn, vất vả để chăm sóc những đứa trẻ từ thủa lọt lòng bằng tình yêu thương chân thành và bao dung nhất.

Không chỉ lo cái ăn, cái mặc, lo việc học hành, vui chơi hay lúc ốm đau vì "trái nắng, trở trời," họ còn tìm mọi cách giữ gìn bản sắc văn hóa Việt cho những đứa con nuôi thân yêu trong mỗi "mái ấm" Ireland.

Mặc dù mới thiết lập quan hệ ngoại giao gần hai mươi năm nay, nhưng nhiều lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Ireland đã được thúc đẩy mạnh mẽ, trong đó có tư pháp và pháp luật. Đều là thành viên của Công ước La Haye năm 1993 về Bảo vệ trẻ em và hợp tác về các vấn đề con nuôi liên quốc gia, thời gian qua, cả Việt Nam và Cộng hòa Ireland đã nỗ lực tăng cường hợp tác trên lĩnh vực này. Năm 2012, hai nước đã ký một số biên bản ghi nhớ về hợp tác pháp luật và tư pháp trong lĩnh vực con nuôi. Trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều gia đình Ireland tìm đến Việt Nam để nhận con nuôi với biết bao tình cảm chân thành nhất dành cho những đứa trẻ đến từ một nền văn hóa khác.

Gắn kết thông qua Mạng lưới Các gia đình Ireland nhận con nuôi Việt Nam (VINAF) - một nhóm tình nguyện được thành lập từ năm 2001 gồm hơn 200 thành viên, họ kiên trì nuôi dạy các con lớn lên trong sự giao thoa giữa hai nền văn hóa.

Theo Chủ tịch VINAF Margaret Buggy, duy trì tiếng mẹ đẻ và bản sắc văn hóa Việt cho các con là điều mà mỗi gia đình Ireland luôn trăn trở và tìm mọi cách đạt được. Vì thế, hàng năm, VINAF thường tổ chức đón Tết Nguyên đán, phá cỗ rằm Trung thu... vừa giúp các con nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Việt. Mỗi dịp như vậy, các gia đình Ireland lại trang hoàng nhà cửa để con cái có thể cảm nhận được không khí nơi quê nhà.

Còn buổi gặp mặt đón Xuân Ất Mùi 2015 vào tháng Hai vừa qua do VINAF tổ chức với nhiều trò chơi dân gian đã thu hút hơn 100 gia đình tham dự.

Chủ tịch VINAF Margaret Buggy cho biết các gia đình gặp nhau từ 2-3 lần/năm nhằm duy trì sự gắn kết. Bên cạnh đó, họ cũng thường xuyên đưa con về thăm quê hương, nguồn cội, thăm lại gia đình ở Việt Nam. "Ngày càng nhiều gia đình Ireland nhận con nuôi Việt Nam đưa các cháu về thăm quê hương. Năm ngoái, tôi vừa đưa con gái về thăm quê và cháu rất thích," bà Buggy nói.

Gặp gỡ các gia đình Ireland nhận con nuôi Việt Nam nhân chuyến công tác vừa qua đến Dublin, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh kiêm nhiệm Cộng hòa Ireland Nguyễn Văn Thảo đánh giá cao sự quan tâm chăm sóc cũng như bảo tồn văn hóa Việt Nam trong mỗi gia đình Ireland nhận con nuôi Việt. Đại sứ mong muốn các cha mẹ Ireland nhận con nuôi Việt Nam tiếp tục phát huy nỗ lực này để trở thành cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.

Không chỉ đứng ra tổ chức các sự kiện văn hóa, VINAF còn hỗ trợ tìm hiểu về thủ tục pháp lý của Việt Nam và Ireland trong quá trình xin con nuôi. Tham gia VINAF, các gia đình Ireland có thể nhận được những lời khuyên bổ ích, hay đơn giản chỉ là tìm một bộ trang phục truyền thống cho con mình.

Bà Buggy cho rằng VINAF đã giúp các gia đình Ireland giảm bớt nhiều khó khăn khi tìm cách giữ gìn bản sắc văn hóa Việt cho con nuôi. Để tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho các con, mỗi gia đình đều có ý thức tạo sự gắn kết ngày càng sâu rộng với cộng đồng người Việt định cư ở Ireland. Với sự trợ giúp của cộng đồng, đặc biệt là các sinh viên Việt Nam đang học ở Ireland, nhiều lớp học tiếng Việt đã được mở ra, thu hút đông đảo trẻ em tham gia.

"Ở nhà, chúng tôi có những đĩa DVD dạy-học tiếng Việt và thường bật lên cho các con nghe để chúng có thể học được tiếng mẹ đẻ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức lớp dạy và học tiếng Việt với sự tham gia rất nhiệt tình của các sinh viên Việt Nam. Bản thân tôi cũng cố gắng học tiếng Việt, nhưng thực sự là rất khó," bà Buggy chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục