Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) nổi tiếng với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, mang đậm nét hoang sơ. Nơi đây còn lưu giữ nhiều loài động, thực vật quý, hiếm có giá trị về nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gene và giáo dục môi trường.
Vì vậy, việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được coi là nhiệm vụ hàng đầu của Ban Quản lý rừng đặc dụng, Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén.
Để nâng cao nhận thức cho người dân, hằng năm, Ban Quản lý rừng đặc dụng, Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Nguyên Bình tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến các văn bản về nội quy, quy chế quản lý bảo vệ, phát triển rừng, giúp người dân hiểu rõ về vai trò, vị trí của Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén, từ đó có ý thức chung tay cùng các lực lượng chức năng bảo vệ hệ động, thực vật quý hiếm tại Vườn quốc gia này.
[Tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng Vườn quốc gia Yok Đôn]
Để phát triển rừng, ngăn chặn các hành vi gây thiệt hại tài nguyên rừng như chặt phá rừng, đốt than, phá rừng làm nương rẫy, lấn chiếm rừng, săn bắt, bẫy động vật rừng, khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép, Ban Quản lý rừng đặc dụng, Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén đã thực hiện khoán công việc, dịch vụ bảo vệ rừng đặc dụng cho người dân, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng, đồng thời tạo thu nhập cho người dân ở vùng đệm.
Ông Nông Văn Dù - Bí thư Chi bộ xóm Phia Đén, xã Thành Công (huyện Nguyên Bình) cho biết cả 50 hộ của xóm Phia Đén đều tham gia bảo vệ vùng đệm Vườn Quốc gia Phia Oắc-Phia Đén.
Khi tham gia bảo vệ vùng đệm, người dân được Ban Quản lý chi trả mức thù lao đã quy định trong hợp đồng; được hưởng các chế độ hỗ trợ phát triển các xóm ở vùng đệm như cấp dây điện, làm đường giao thông nông thôn, làm nhà văn hóa xóm...
Từ khi nhận khoán bảo vệ vùng đệm rừng của Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén, rừng do xóm Phia Đén nhận khoán không xảy ra cháy rừng hoặc khai thác lâm sản trái phép.
Ngoài ra, bà con tham gia trồng được trên 10ha rừng phủ xanh đất trống đồi trọc và luôn xác định tham gia bảo vệ, phát triển rừng là trách nhiệm của mỗi người dân.
Bên cạnh quản lý, bảo vệ rừng, công tác phát triển rừng cũng được Ban Quản lý rừng đặc dụng, Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén quan tâm triển khai hiệu quả.
Đến hết năm 2019, Ban Quản lý rừng đặc dụng, Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén đã đôn đốc các tổ chức, cá nhân nhận khoán chăm sóc phát triển rừng, trồng mới được 39,3ha rừng tập trung.
Ông Long Văn Bằng, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng, Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén cho biết trước những tiềm năng và lợi thế của Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Đén, để đảm bảo công tác quản lý và bảo vệ rừng đạt hiệu quả trong điều kiện và tình hình mới, Ban đã chủ động xây dựng kế hoạch và các biện pháp bảo vệ rừng gắn với trách nhiệm cụ thể của từng tập thể, cá nhân.
Cùng với đó, Ban thành lập các trạm kiểm soát, xây dựng các tổ, nhóm bảo tồn tại các thôn bản vùng đệm; đôn đốc các tổ, cộng đồng thường xuyên phối hợp tuần tra bảo vệ rừng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, cộng đồng xóm và các tổ bảo vệ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng...
Trong thời gian tới, để Vườn quốc gia Phia Oắc, Phia Đén tiếp tục được bảo tồn, phát triển, Ban Quản lý rừng tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả công tác phát triển rừng; phấn đấu năm 2020 trồng mới 20ha rừng sản xuất; chăm sóc, bảo vệ 34,8ha rừng trồng phòng hộ, đặc dụng; trồng 20.000 cây phân tán...
Ban cũng phối hợp tốt với các lực lượng chức năng và các tổ bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến hoàn cảnh rừng; tăng cường hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm...
Vườn Quốc gia Phia Oắc-Phia Đén có tổng diện tích tự nhiên hơn 10.000ha, trong đó có hơn 8.000 ha rừng tự nhiên. Tại đây có 1.287 loài thuộc 786 chi trong 202 họ thực vật của 6 ngành thực vật, trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam; có 496 loài động vật có xương sống và hàng nghìn loài động vật không xương sống, côn trùng...
Trong số các loài động vật có tên trong danh mục, đã xác định được 58 loài động vật quý hiếm, bao gồm 30 loài thú có tên trong Sách Đỏ Việt Nam; 12 loài bò sát, trong đó 3 loài ở thứ hạng cực kỳ nguy cấp; 3 loài ếch nhái, trong đó 2 loài ở thứ hạng cực kỳ nguy cấp./.