Giữ vững vị thế sản phẩm xuất khẩu chủ lực cho cá tra Việt Nam

Việc Mỹ công nhận Việt Nam đủ điều kiện tương đương xuất khẩu cá da trơn vào thị trường này từ năm 2018 sẽ tiếp tục tác động có lợi đến ngành hàng cá tra Việt Nam.
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Sản phẩm cá tra của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được Chính phủ xác định là sản phẩm giá trị chủ lực Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tuy đã trải qua khó khăn trong 3 năm trước, hiện nay còn đối mặt thêm những thách thức mới như sự mở rộng diện tích nuôi của các quốc gia, thuế chống bán phá giá... nhưng toàn ngành vẫn quyết tâm giữ vững vị thế này để tiếp tục phát triển.

Nhắm vào đa mục tiêu

Cuối tháng 4/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mức thuế cuối cùng này tăng cao hơn nhiều so với kết quả sơ bộ đã được công bố hồi tháng 9/2018.

Mức thuế suất chống bán phá giá cá tra được áp dụng trên toàn quốc vẫn là 2,39 USD/kg. Một số doanh nghiệp có sự chênh lệch trong đợt xét duyệt POR14 này là Tập đoàn Hùng Vương 3,87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ), Công ty cổ phần Thủy sản NTSF (Cần Thơ) vẫn giữ mức 1,37 USD/kg.

Bốn doanh nghiệp khác là C.P Việt Nam, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (CL-FISH), Công ty cổ phần Hải sản Trang trại xanh (Thành phố Hồ Chí Minh) và Tập đoàn Vinh Quang bị áp mức thuế 1,37 USD/kg, tăng 0,96 cent/kg so với mức thuế sơ bộ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chia sẻ kết quả này được công bố tăng cao hơn đánh giá sơ bộ, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này đã hoàn tất các thủ tục, thanh toán.

Ngành cá tra hiện nay đang trên đà thuận lợi để phát triển, cả về chất lượng, truyền thông và hình ảnh.

Thêm vào đó, sản lượng cá tra Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vào 3 thị trường chính là Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Dù Trung Quốc ngày càng siết chặt chất lượng cá tra nhưng thị trường này vẫn giữ vị trí đứng đầu trong nhập khẩu cá tra Việt Nam.

Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, từ ngày 28/3 đến ngày 8/4/2019, tại châu Âu được đánh giá là rất thành công khi thúc đẩy quá trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).

[Bộ Thương mại Mỹ công bố mức thuế cuối cùng đối với cá tra Việt Nam]

Cụ thể, cuộc gặp giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu đã rất thành công khi ông ông Bernd Lange khẳng định EVFTA có thể được phê chuẩn vào tháng 6 hoặc tháng 7/2019, tức là sau khi Nghị viện châu Âu kết thúc bầu cử và bắt đầu nhiệm kỳ mới.

Đây là tin vui với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nói chung, ngành cá tra nói riêng bởi ngay khi EVFTA có hiệu lực, 90% dòng thuế đánh vào các mặt hàng thủy sản xuất khẩu qua vào châu Âu sẽ giảm về 0% trong thời gian từ 3 đến 4 năm, thay cho mức thuế nhập khẩu vào châu Âu hiện tại khoảng 14%.

Giữ vững lợi thế

Cá tra Việt Nam được các doanh nghiệp đánh giá là đang có lợi thế rất lớn trên đường phát triển từ nội địa đến thị trường quốc tế.

Ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ việc Mỹ công nhận Việt Nam đủ điều kiện tương đương xuất khẩu cá da trơn vào thị trường này từ năm 2018 sẽ tiếp tục tác động có lợi đến ngành hàng cá tra Việt Nam.

Đồng thời, khi EVFTA có hiệu lực, thị trường châu Âu sẽ rộng mở hơn đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Điều này tạo thêm cơ hội nâng cao giá trị cá tra, bởi châu Âu là thị trường khó tính, nhưng người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền nhiều hơn để tiêu thụ sản phẩm có chất lượng tốt.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Việt Nam có khí hậu phù hợp với con cá tra. Vì vậy, dù nhiều quốc gia đang tiến hành sản xuất cá tra nhưng sản lượng vẫn ở mức khiêm tốn.

Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Những năm tới, Việt Nam tiếp tục là nhà cung cấp chính cá tra cho thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, Mỹ và EU sẽ là 2 thị trường xuất khẩu cá tra nhiều kỳ vọng. Hơn nữa, cá rô phi của Trung Quốc sang thị trường Mỹ đang bị đánh thuế rất cao, sản lượng vào thị trường này sẽ co lại, tạo khoảng trống cho cá tra Việt Nam.

Thêm vào đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang nghiên cứu thành lập quỹ phát triển thị trường, tạo điều kiện cho việc xây dựng thương hiệu, mạng lưới bán hàng ở nước ngoài, tương tự Na Uy từng làm đối với cá hồi.

Song song với đó, cá tra đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương xác định là sản phẩm quốc gia và có chính sách đặc thù riêng.

Tiềm năng thị trường của cá tra vẫn rộng mở. Địa phương, nông dân, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra cần siết chặt quản lý vùng nuôi, không để tình trạng nuôi tự phát cá tra thịt, cá tra giống diễn ra ồ ạt ở những địa phương không có lợi thế về nguồn nước.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần ngồi lại với nhau, thống nhất trần giá sàn xuất khẩu và kiên quyết cùng nhau liên kết giữ giá sàn, không để đối tác ép giá, ông Dương Nghĩa Quốc nói thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục