Ngày 6/11, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị.
9,67 triệu người lao động được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, một tháng qua, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã được triển khai với tinh thần khẩn trương, hiệu quả.
Đến hết ngày 5/11, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã giải quyết hỗ trợ cho 9,67 triệu người lao động với tổng số tiền hơn 23,03 nghìn tỷ đồng.
Mười địa phương có số người lao động được giải quyết hưởng hỗ trợ cao nhất là: Thành phố Hồ Chí Minh (1,8 triệu lao động), Hà Nội (1,29 triệu lao động), Đồng Nai (704.134 lao động), Bình Dương (596.542 lao động), Hải Phòng (321.549 lao động), Hải Dương (315.900 lao động), Bắc Ninh (312.435 lao động), Thanh Hóa (234.746 lao động), Bắc Giang (219.947 lao động).
Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), cho biết, để đạt được kết quả trên, nhất là trong bối cảnh khối lượng công việc lớn, thời gian ngắn, gấp rút, đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động toàn ngành đã rất nỗ lực, cố gắng, chủ động, sáng tạo, không quản ngày đêm với quyết tâm giúp người lao động được nhận hỗ trợ một cách sớm nhất.
Dự kiến, đến hết ngày 15/11, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ cơ bản hoàn thành xong việc giải quyết chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn có số người lao động nhận hỗ trợ lớn nhất nước. Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố, chia sẻ, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra, hầu hết công chức, viên chức trong đơn vị đều làm ngoài giờ, từ 15-16 tiếng/ngày, thậm chí có những người làm đến 12h đêm, 1h sáng.
Dù áp lực rất lớn, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, đồng lòng, quyết tâm của toàn hệ thống, kết quả triển khai chính sách hỗ trợ của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đạt được rất khả quan, với khoảng 1,8 triệu người lao động đã được nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, đạt khoảng 85% kế hoạch.
Tập trung cao độ, tăng tốc 2 tháng cuối năm
Tính đến ngày 4/11, toàn quốc đã có 15,55 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 1 triệu người so với tháng 9/2021, trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 972 nghìn người, bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 36.000 người.
Về bảo hiểm y tế, toàn quốc có 84,37 triệu người tham gia, tăng 837 nghìn người so với tháng 9/2021, trong đó, có Bảo hiểm xã hội 4 tỉnh đã hoàn thành kế hoạch được giao gồm: Hà Nam, Hải Dương, Nam Định, Quảng Trị.
[Trên 5 triệu lao động được hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp]
Tổng số thu toàn ngành đạt 76,9% kế hoạch mà Chính phủ giao, tăng so với cùng kỳ năm trước. Có 44 Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố đạt số thu cao hơn tỷ lệ thu bình quân chung toàn quốc. Một số tỉnh có tỷ lệ thu cao như Tuyên Quang, Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Nghệ An…
Nhận định về tình hình thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Ban Quản lý Thu-Sổ, Thẻ cho biết, trong bối cảnh có nhiều khó khăn do dịch COVID-19 tác động, song, kết quả trên phần nào cho thấy được sự nỗ lực, quyết tâm trong việc phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2021 của Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thời gian qua.
Nhiều kinh nghiệm, mô hình hay trong công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các địa phương cần nhân rộng như việc tổ chức Tháng cao điểm vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của Bắc Giang; xây dựng mô hình xã điểm phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện của Hà Nội; một số cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh tham mưu về việc huy động ngân sách địa phương hỗ trợ nhóm người tham gia bảo hiểm y tế thuộc đối tượng không còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I giai đoạn 2021-2025.
Biểu dương những nỗ lực, cố gắng, tinh thần trách nhiệm, quyết tâm của toàn thể công chức, viên chức trong toàn ngành, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận, các chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế dần tăng trưởng trở lại; tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được đảm bảo.
Đây là tâm huyết, trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, vượt khổ, làm ngày, làm đêm của rất nhiều công chức, viên chức cơ quan Bảo hiểm xã hội, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở trong thời gian qua.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, thời gian tới, tình hình dịch bệnh tại các địa phương vẫn còn diễn biến khó lường, khó khăn có thể còn nhiều hơn, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tập trung cao độ hơn nữa để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm.
Bám sát tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19," Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần xây dựng kịch bản thích ứng linh hoạt với tình hình ở địa phương, chú trọng truyền thông, tiếp cận, vận động trực tiếp người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đại lý, từng cán bộ, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.
Đặc biệt, cần nhân rộng hơn nữa các mô hình hay, cách làm sáng tạo; tăng cường các hội nghị giao ban chuyên đề thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo nhóm đơn vị, nhóm vấn đề...
Đối với việc triển khai hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu toàn ngành khẩn trương khắc phục những vướng mắc phát sinh, tích cực rà soát dữ liệu, đẩy nhanh hỗ trợ các nhóm đang bảo lưu đóng, nhóm có tính chất đặc thù; tiếp tục đẩy mạnh truyền thông rộng rãi về chính sách hỗ trợ đến các khu dân cư.
Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần phát huy hơn nữa vai trò tham mưu để tạo động lực thực hiện các nhiệm vụ thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cũng như tiếp tục thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới./.