Giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu vào Hàn Quốc

Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức hội thảo FTA Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật xu hướng và tình hình thị trường xuất nhập khẩu của Hàn Quốc.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty thủy sản Trung Sơn. (Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN)

Ngày 14/7, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội thảo FTA Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam cập nhật những xu hướng và tình hình thị trường xuất nhập khẩu của Hàn Quốc để tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, thành viên Ban đàm phán VKFTA - bà Bùi Kim Thùy, cho rằng cơ hội và các ưu đãi về thuế quan là rất lớn, nhưng để có thể tận dụng tối đa, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong cam kết. Quy tắc xuất xứ ưu đãi sẽ giúp doanh nghiệp xác định hàng hóa có đủ điều kiện để hưởng các ưu đãi thuế quan hay không; đảm bảo sự cân bằng hợp lý giữa “thuận lợi hóa thương mại” và “chống gian lận thương mại." Khi doanh nghiệp thỏa mãn các quy tắc xuất xứ ưu đãi sẽ được cấp C/O ưu đãi, hưởng thuế quan ưu đãi và từ đó kích thích sản xuất-xuất khẩu.

Theo ông Phạm Khắc Tuyên, Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), Hàn Quốc cam kết ưu đãi cắt giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu cho các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, cơ khí…

Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường nhạy cảm như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... (thuế suất những mặt hàng này từ 241-420% ). Phía Việt Nam cam kết cắt giảm chủ yếu ở các lĩnh vực nguyên phụ liệu dệt may, da giày, động cơ linh kiện và phụ tùng ôtô, nguyên liệu nhựa và máy móc thiết bị điện.

Để đưa sản phẩm Việt Nam vào Hàn Quốc nhiều hơn, doanh nghiệp có thể thông qua các nhà phân phối lớn của Hàn Quốc, như E-Mart, Lotte Mart, các hiệp hội, thương vụ Hàn Quốc... Tuy nhiên, điều quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao được chất lượng sản phẩm để vào chuỗi phân phối; tìm hiểu các vấn đề về tiêu chuẩn, hợp chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất xứ hàng hóa…

Theo báo cáo từ Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại), năm 2014, Việt Nam có khoảng 40 nhóm mặt hàng xuất sang Hàn Quốc, đạt hơn 7 tỷ USD, tăng 7,7% so năm 2013; trong đó dệt may là nhóm hàng đạt kim ngạch cao nhất với 2,4 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc.

VKFTA sẽ mang lại thuận lợi lớn cho hàng xuất khẩu Việt Nam bởi các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ từ phía Hàn Quốc; đồng thời tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu Việt Nam với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục