Thích ngành Y và đã thi đỗ ngành Y đa khoa của một trường đại học, nhưng Quỳnh lại trở thành tân sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh của Đại học Ngoại thương theo lời khuyên của cha mẹ. Học ngành Ngôn ngữ Anh của một ngôi trường nổi tiếng bậc nhất Hà Nội, là niềm mơ ước của hàng triệu sỹ tử, nhưng cô nữ sinh vẫn chưa thôi tiếc nuối và suy nghĩ về niềm mơ ước trở thành bác sỹ đã bị bỏ lỡ…
Đỗ đại học vẫn không vui
Cũng đầu quân vào Đại học Ngoại thương giống như Quỳnh, tân sinh viên khoa Thương mại quốc tế Nguyễn Thu Hiền bảo, em đầu quân vào một trường kinh tế nhưng chỉ muốn trở thành… MC.
Chia sẻ của Hiền và Quỳnh tại chương trình “Chào Tân sinh viên 2018: Rồng cất cánh” với chủ đề “Đỗ đại học, rồi sao?” vừa được Hệ thống giáo dục Hocmai tổ chức cũng là nỗi niềm của rất nhiều bạn trẻ.
Khảo sát sơ bộ bằng biểu quyết tại chương trình của diễn giả Hoàng Phương Nga, người sáng lập và điều hành Học viện công nghệ Kiddicode, cho thấy, có khoảng 50% trong tổng số 500 tân sinh viên có mặt tại chương trình cảm thấy không rõ ràng về con đường phía trước. Chỉ khoảng 30% tân sinh viên hài lòng về quyết định chọn trường, chọn ngành của mình. Đáng lưu ý là có khoảng 20% tân sinh viên không yêu thích ngành mình theo học.
[Sẽ hình thành hệ thống tư vấn hỗ trợ chuyên nghiệp đối với học sinh]
Là người từng nhiều năm làm công tác tư vấn tuyển sinh, thầy Phạm Quang, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, rất nhiều sinh viên khi đến tư vấn để nộp hồ sơ theo học đại học vẫn không biết mình thực sự muốn theo học ngành gì.
“Các em ít tìm hiểu sâu về các ngành nghề, chỉ biết đến ngành học cơ bản mà không biết cùng lĩnh vực đó có rất nhiều ngành nghề phụ trợ. Thậm chí, nhiều em lựa chọn theo ý muốn của cha mẹ. Rất nhiều trường hợp cả thí sinh và phụ huynh cùng đến bàn tư vấn nhưng người đưa ra lời xin tư vấn lại phụ huynh. Đây chính là những nguyên nhân khiến sinh viên sau khi đỗ đại học vẫn không thấy vui, không hài lòng với lựa chọn của mình, không yêu thích ngành học dẫn đến tâm lý chán nản sau này,” thầy Quang chia sẻ.
Tư vấn hướng nghiệp cũng là nội dung được Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh trong nhiều năm qua, tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa cao.
Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, cô từng hỏi 452 học sinh lớp 12 của mình câu hỏi sau này các em sẽ làm nghề gì, nhưng chỉ có hai bạn phân tích rõ ràng vì sao mình chọn nghề này cho mình trong tương lai.
"450 bạn còn lại không biết mình sẽ làm nghề gì nhưng lại biết rất rõ mình sẽ học vào trường đại học nào. Rõ ràng đang có sự chệch hướng, đúng ra phải chọn nghề thì học sinh và phụ huynh lại đi chọn trường,” bà Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ.
Tập yêu, hoặc mạnh dạn đổi nghề
Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên môn Hóa tại Hệ thống Giáo dục Hocmai, là người nhiều năm ôn thi đại học cho các lứa học sinh, thầy cũng từng được nhiều học trò chia sẻ về việc không hài lòng với lựa chọn ngành nghề.
“Tuy nhiên, tôi vẫn khuyên các em đừng vội thất vọng quá sớm, hãy thử trải nghiệm ngành nghề đã chọn, biết đâu, trải nghiệm rồi mới nhận ra đây chính là ngành nghề có nhiều điểm giúp mình phát triển khả năng,” thầy Ngọc kể.
Cố gắng tìm hiểu ngành học mới cũng là cách để Trương Xuân Huy, sinh viên K63 của Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyển từ buồn chán sang yêu ngành mình theo học.
Huy cho biết, em mơ ước vào khoa Cơ điện tử, nhưng vì thiếu điểm, Huy đành ngậm ngùi chọn ngành Vật lý Kỹ thuật.
“Những ngày đầu tiên, em vẫn cảm thấy buồn, thấy tiếc nuối ngành Cơ điện tử. Nhưng được các thầy cô hướng dẫn, em đã tìm hiểu kỹ hơn về ngành Vậy lý kỹ thuật và dần dần thấy yêu thích ngành học này,” Huy nói.
Chia sẻ với nỗi niềm của những bạn sinh viên đã không học đúng theo nguyện vọng yêu thích ban đầu, Huy cho rằng: “Chỉ cần mình bác bỏ thành kiến việc thích hay không thích và cố gắng tìm hiểu ngành đó, mình có thể sẽ thấy thích. Như bản thân em, bây giờ em lại thấy trượt nguyện vọng một cũng là một cơ hội với mình”.
[Đến 2020, 30% học sinh tốt nghiệp lớp 9 sẽ học nghề? ]
Nhưng không phải ai cũng có thể yêu được ngành nghề mới, nhiều người thậm chí phải rẽ sang đường khác. Là một giáo viên dạy Toán khá nổi tiếng ở Hà Nội, nhưng có lẽ ít người biết thầy Lưu Huy Thưởng, giáo viên Trường liên cấp H.A.S, lại có xuất phát điểm là sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Thầy Đặng Ngọc Khương, Phó hiệu trưởng Trường Archimedes, từng có thời gian làm… nhà báo.
“Càng viết báo, tôi lại càng thấy nghề này không phù hợp với khả năng của mình. Vì thế, tôi đã quyết định lựa chọn lại con đường và trở thành thầy giáo dạy Ngữ văn như hiện nay,” thầy Khương chia sẻ.
Theo thầy Khương, từ khi trở thành giáo viên, được gặp gỡ đồng nghiệp, được học trò yêu mến, thầy cảm thấy cuộc sống mình có ý nghĩa hơn rất nhiều.
“Vì thế, nếu các bạn trẻ đã lỡ chọn sai ngành, đừng lo lắng, hãy thử chọn lại lần nữa để tìm được công việc ý nghĩa nhất cho chính mình”, thầy Khương chia sẻ./.