Ngày 3/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến cộng đồng người Việt Nam tại Đức đối với dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đại diện các Hội đoàn, các nhân sỹ, trí thức, doanh nhân người Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức cùng đại diện các chi bộ thuộc Đảng bộ tại Cộng hòa Liên bang Đức đã tham gia Hội nghị.
Tại Hội nghị, đại biểu đại diện các tổ chức hội đoàn của người Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức (như Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt-Đức, Hội Sinh viên, Câu lạc bộ Tháng Mười, Tạp chí Hương Việt... ) cũng như đại diện các Chi bộ đã tập trung đóng góp ý kiến vào từng văn kiện lớn nhằm thể hiện trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của cộng đồng người Việt tại Đức đối với các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII.
[Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng: Ý kiến tâm huyết của thanh niên]
Các đại biểu đều nhất trí và đánh giá các Dự thảo báo cáo đã được chuẩn bị công phu, nghiên túc, khoa học và có chất lượng, khái quát tương đối toàn diện quá trình đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội và những thành tựu về mọi mặt mà đất nước đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, cũng như chỉ ra một số hạn chế cần được khắc phục để đất nước có thể phát triển nhanh và bền vững hơn.
Nhiều điểm mới trong dự thảo các văn kiện đã được các đại biểu nghiên cứu, đóng góp ý kiến, trong đó có định hướng mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, những vấn đề về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên...
Một số đại biểu cũng đã góp ý về việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo, tận dụng các cơ hội của công nghệ số cho phát triển quốc gia, nhất là trong kỷ nguyên số và trong bối cảnh kinh tế số đang được đẩy mạnh tại Việt Nam.
Về giáo dục-đào tạo, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục tập trung phát triển căn bản, toàn diện nền giáo dục-đào tạo, duy trì việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.
Một số đại biểu đề xuất biện pháp rút ngắn khoảng cách chênh lệch trong xã hội, nhất là trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế... giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Về xây dựng Nhà nước pháp quyền và xây dựng Đảng, một số đại biểu nhấn mạnh cần tiếp tục cải cách hành chính, kiên quyết hơn trong công cuộc phòng chống tham nhũng thông qua việc tăng cường giám sát, chú trọng làm tốt hơn nữa công tác cán bộ; trong đó cần lựa chọn người có tài, có đức, nhất là cán bộ trẻ có năng lực và ngoại ngữ tốt để đưa vào các vị trí lãnh đạo, kiên quyết loại bỏ những người không đủ năng lực, phẩm chất, qua đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Ngoài ra, một số đại diện Hội đoàn người Việt Nam tại Đức cũng nhấn mạnh nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong công cuộc phát triển đất nước, trong đó có hơn 400.000 chuyên gia, trí thức và thế hệ trẻ với trình độ cao.
Bà con mong Đảng, Nhà nước tiếp tục có những chính sách thuận lợi hơn nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khuyến khích bà con có nhiều đóng góp hơn nữa cho quê hương, cũng như quan tâm hỗ trợ bà con trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, là cầu nối vững chắc cho quan hệ giữa Việt Nam và các nước.
Ngoài các đại biểu tham gia phát biểu trực tiếp và trực tuyến còn có nhiều ý kiến đóng góp bằng văn bản cho dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Các ý kiến của cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức sẽ được tổng hợp gửi về trong nước, góp phần hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng./.