Ngày 7/12, hai hãng dược phẩm lớn, GlaxoSmithKline (GSK) của Anh và Medicago của Canada cho biết cuộc thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 quy mô lớn đã cho kết quả khả quan.
Hiệu quả chống lại các biến thể của virus SARS-COV-2 là 71% trong đợt thử nghiệm giai đoạn 3. Đáng chú ý, vaccine này có hiệu quả lên đến 75,3% đối với biến thể Delta. Tuy nhiên, không có dữ liệu liên quan đến biến thể Omicron do trong thời gian thử nghiệm chưa xuất hiện biến thể mới này.
Nghiên cứu được tiến hành trên 24.000 người trưởng thành ở 6 quốc gia - Canada, Mỹ, Anh, Mexico, Argentina và Brazil.
Hai công ty cho biết: “Quá trình nghiên cứu không ghi nhận trường hợp phản ứng nghiêm trọng nào và khả năng gây ra tác dụng phụ nhìn chung ở mức độ nhẹ đến trung bình và thoáng qua; các triệu chứng chỉ kéo dài trung bình từ 1-3 ngày.”
[Biến thể Omicron có thể né tránh một phần vaccine của Pfizer]
Theo Medicago, vaccine trên sử dụng các hạt có nguồn gốc từ thực vật, mô phỏng đặc tính của virus để kích thích hệ thống miễn dịch. Các phần tử giống virus này thiếu vật chất di truyền cốt lõi nên không lây nhiễm và không thể tái tạo.
Dựa trên những kết quả tích cực này, Medicago sẽ sớm đề nghị Bộ Y tế Canada cấp phép vaccine trên. Hiện vaccine này chưa được cơ quan quản lý dược phẩm nào chấp thuận. Trước đó, hai công ty cũng đã nộp đơn chờ các cơ quan chức năng của Mỹ và Anh phê duyệt.
Cùng với việc hợp tác về các vaccine tiềm năng với các hãng Sanofi của Pháp, CureVac của Đức và SK Bioscience của Hàn Quốc, GSK đang phát triển các phương pháp điều trị tiềm năng cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
Tuần trước, Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm chức năng (MHRA) của Anh đã phê chuẩn phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng Sotrovimab, do GSK và hãng Vir của Mỹ hợp tác bào chế, để điều trị cho những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.
Đáng chú ý, GSK khẳng định loại thuốc này có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron./.