Hà Giang: Bảo tồn giá trị văn hóa Lễ hội Cầu mùa của người Cờ Lao

Cầu mùa là một nghi lễ quan trọng của cộng đồng người Cờ Lao xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, thể hiện ước nguyện cầu cho mùa vụ được mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt.
Hà Giang: Bảo tồn giá trị văn hóa Lễ hội Cầu mùa của người Cờ Lao ảnh 1Bà con dân tộc Cờ Lao có mặt rất sớm tại miếu thờ Hoàng Vần Thùng để chuẩn bị cho Lễ hội Cầu mùa. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Ngày 19/8, tại xã Túng Sán, Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) tổ chức Lễ hội Cầu mùa dân tộc Cờ Lao xã Túng Sán và báo cáo kết quả phục dựng lễ hội.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Su Phì Hoàng Đức Tân, người Cờ Lao là dân tộc rất ít người tại Việt Nam.

Theo số liệu Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở, thời điểm tháng 4/2019, người Cờ Lao có trên 4.000 người; trong đó ở tỉnh Hà Giang có hơn 2.900 người và tại huyện Hoàng Su Phì có trên 1.000 người, chiếm 1,6% tổng dân số toàn huyện.

[Điện Biên: Phục dựng lễ hội Gầu Tào của cộng đồng dân tộc Mông]

Là dân tộc có bề dày về văn hóa truyền thống, người Cờ Lao hiện còn bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống như âm nhạc, lễ hội, trang phục, nhà ở, tín ngưỡng, cấu trúc tộc họ, làng bản, các lễ thức, lễ hội văn hóa truyền thống độc đáo, trong đó có Lễ Cầu mùa được tổ chức vào tháng Bảy âm lịch hằng năm.

Lễ hội này gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc Cờ Lao, tín ngưỡng nông nghiệp và tục thờ danh nhân đối với nhân vật Hoàng Vần Thùng - người được cho là đã có công khai ấp, lập làng, giúp người Cờ Lao tồn tại và phát triển.

Cầu mùa là một nghi lễ quan trọng của cộng đồng người Cờ Lao xã Túng Sán, thể hiện ước nguyện cầu cho mùa vụ được mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, vật nuôi mau lớn, mùa màng bội thu, ước mong cuộc sống no đủ, gia đình được vạn sự bình an khỏe mạnh, mọi vật sinh sôi nảy nở, phát triển thịnh vượng...

Hà Giang: Bảo tồn giá trị văn hóa Lễ hội Cầu mùa của người Cờ Lao ảnh 2Mâm lễ được bà con chuẩn bị tỉ mỉ, kỹ lưỡng. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Đồng thời, đây cũng là dịp để cộng đồng người Cờ Lao xã Túng Sán tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng.

Theo ông Hoàng Đức Tân, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện và Ủy ban Nhân dân xã Túng Sán tổ chức sưu tầm, phục dựng lễ hội và lập hồ sơ đề nghị, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, Lễ Cầu mùa đang có nguy cơ mai một.

Để bảo tồn nghi lễ và lưu giữ, trao truyền cho các thế hệ sau, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và Ủy ban Nhân dân xã Túng Sán phục dựng, tổ chức lễ hội theo nguyên mẫu truyền thống.

Ông Min Phà Kháy, người có uy tín trong cộng đồng người Cờ Lao xã Túng Sán bày tỏ phấn khởi khi được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ người Cờ Lao nói chung và người Cờ Lao xã Túng Sán nói riêng.

Ông cho biết nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, đời sống, kinh tế-xã hội của bà con đã được cải thiện.

Trong khuôn khổ Lễ hội Cầu mùa, nhiều hoạt động được tổ chức: văn nghệ, các môn thể thao, trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Cờ Lao; trình diễn nghề truyền thống và tổ chức các hoạt động trưng bày giới thiệu các sản phẩm văn hóa, kinh tế-xã hội đặc trưng của cộng đồng dân tộc Cờ Lao trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các đôi bò bứt tốc về đích. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Tưng bừng Hội đua bò Bảy Núi An Giang năm 2024

Tham gia Hội đua bò Bảy Núi năm nay có 64 đôi bò đến từ các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, thị xã Tịnh Biên (An Giang) và các đôi bò đến từ huyện Giang Thành (Kiên Giang).

Festival Thu Hà Nội 2024

Festival Thu Hà Nội 2024

Với nhiều hoạt động sôi nổi, đầy màu sắc cùng giá trị truyền thống văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của mùa Thu Hà Nội, Festival Thu Hà Nội 2024 hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.