Hà Giang: Cảnh báo nguy cơ ngập lụt các khu vực trũng thấp ven sông Gâm

Hồi 11 giờ ngày 10/6, mực nước trên sông Gâm trên mức báo động 3 là 0,11m và dự báo tiếp tục lên trên báo động 3 từ 0,6-1,2m; nguy cơ gây ngập lụt các khu vực trũng thấp tại huyện Bắc Mê, Hà Giang.

Ngập lụt diện rộng tại nhiều nơi ở Hà Giang. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)
Ngập lụt diện rộng tại nhiều nơi ở Hà Giang. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)

Ngày 10/6, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai ban hành Công điện số 03/CĐ-QG gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Công an, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí.

Theo tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Giang-Đài Khí tượng Thủy văn khu vực miền núi phía Bắc, vào hồi 11 giờ ngày 10/6, mực nước trên sông Gâm tại trạm thủy văn Bắc Mê ở mức +124,11m (trên mức báo động 3 là 0,11m) và dự báo tiếp tục lên trên báo động 3 từ 0,6-1,2m; nguy cơ gây ngập lụt các khu vực trũng thấp ven sông Gâm tại huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ

Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin kịp thời đến người dân khu vực có nguy cơ ngập lụt để chủ động phòng, tránh.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang chủ động có biện pháp tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn; thông báo cho các chủ lồng bè; chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông; các chủ phương tiện vận tải thủy, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, lồng bè, phương tiện, thiết bị và công trình.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang bố trí lực lượng kiểm tra, rà soát, khơi thông dòng chảy; tổ chức canh gác, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các cầu, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn hồ chứa; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

ttxvn_Giao thong ha giang (1).jpg
Nước lũ chảy xiết khiến một chiếc xe gặp nạn trên đường qua xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tỉnh Hà Giang chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình địa phương tăng cường thông tin về diễn biễn của lũ đến người dân và các cấp chính quyền để chủ động phòng tránh; cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền hình địa phương, các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó lũ, ngập lụt để giảm thiểu thiệt hại; đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

3 người chết cùng nhiều thiệt hại nghiêm trọng

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Giang, tính đến 12 giờ ngày 10/6, mưa lớn đã làm 3 người chết (2 người tại huyện Hoàng Su Phì, 1 người tại huyện Quản Bạ); 39 điểm bị ngập gây ngập 350 nhà; 9,12ha đất lúa và rau màu bị ảnh hưởng; 39 con gia súc, gia cầm bị chết; 2 cầu treo bị cuốn trôi tại các xã Thuận Hòa và Thanh Thủy huyện Vị Xuyên; ngập úng nhiều tuyến đường liên xã, thôn tại huyện Vị Xuyên.

Mưa lớn làm 12 vị trí sạt lở với tổng khối lượng 3.580m3, trong đó tuyến đường tỉnh lộ 177 đường Bắc Quang-Hoàng Su Phì bị sạt taluy dương làm ách tắc một số đoạn ôtô không đi lại được thuộc địa phận các xã: Nậm Dịch, Nậm Ty, Thông Nguyên, Nam Sơn-Hồ Thầu, Bản Luốc, Nàng Đôn, Bản Phùng, Bản Nhùng, Pố Lồ, Thàng Tín, Thèn Chu Phìn.

Ngập úng cục bộ xảy ra tại một số tuyến đường tại phường Minh Khai, Nguyễn Trãi, Trần Phú, Quang Trung, Ngọc Hà, Ngọc Đường, Phương Thiện, Phương Độ với 25 điểm ngập úng...

Ngoài ra, mưa lớn còn làm ngập 50 ôtô, 70 xe máy; ước thiệt hại 19,5 tỷ đồng.

ttxvn_ngap lut ha giang 3.jpg
Cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang giúp trường mầm non trên địa bàn xã Ngọc Đường khắc phục hậu quả mưa lũ. (Ảnh: Quốc Hoàn/TTXVN phát)

Hiện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện có thiệt hại thuộc tỉnh Hà Giang đã trực tiếp đến kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai; thăm hỏi gia đình có người bị chết; huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục nhà cửa, cây trồng, vật nuôi... để ổn định cuộc sống và sản xuất.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến người dân khu vực có nguy cơ ngập lụt để chủ động phòng, tránh.

Các địa phương chủ động có biện pháp, sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn.

Đồng thời, các địa phương bố trí lực lượng kiểm tra, rà soát, khơi thông dòng chảy; tổ chức canh gác, hướng dẫn giao thông, nhất là qua cầu, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; duy trì 24/24 giờ lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục