Hà Lan: Căng thẳng bùng phát, nơi ở cho người tị nạn bị tấn công

Những người tham gia phong trào phản đối người nhập cư tại Hà Lan đã tấn công vào một nhà thi đấu thể thao được dùng làm nơi ở cho người tị nạn tại thành phố miền Trung Woerden của nước này.
Hà Lan: Căng thẳng bùng phát, nơi ở cho người tị nạn bị tấn công ảnh 1Người dân Hà Lan biểu tình phản đối những người nhập cư ngày 11/10. (Nguồn: AFP)

Căng thẳng lại bùng phát tại Hà Lan trong ngày 11/10 liên quan tới vấn đề tiếp nhận người di cư, chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng nước này Mark Rutte lên án cuộc tấn công nhằm vào một nhà thi đấu thể thao được dùng làm nơi ở cho người tị nạn tại thành phố miền Trung Woerden là "hèn nhát" và "không thể chấp nhận được."

Hàng trăm người đã tham gia cuộc biểu tình, do phong trào phản đối người nhập cư mang tên "Người châu Âu phản đối Hồi giáo hóa phương Tây" (PEGIDA) có trụ sở tại Đức, tổ chức ở thành phố Utrecht, miền Trung Hà Lan.

Các vụ ẩu đả đã nổ ra giữa những người ủng hộ và phản đối PEGIDA, buộc cảnh sát phải can thiệp. Truyền thông Hà Lan cho biết khoảng 10 người quá khích đã bị bắt giữ.

Căng thẳng gia tăng tại Hà Lan liên quan tới việc chính phủ nước này lên kế hoạch cung cấp chỗ ở cho hàng nghìn người tị nạn nước ngoài theo cơ chế phân bổ của Liên minh châu Âu (EU).

Trong 2 năm tới, ước tính Hà Lan sẽ tiếp nhận hơn 7.000 người tị nạn trong bối cảnh châu Âu đang phải vật lộn đối phó với dòng người di cư, phần lớn là từ Syria và Iraq, ồ ạt đổ vào "Lục địa già."

Lãnh đạo một số địa phương Hà Lan đã bày tỏ tức giận về việc phải tiếp nhận số lượng lớn người di cư tới tỉnh của họ theo kế hoạch từ chính phủ.

Các cuộc tấn công nhằm vào các trại tị nạn cho người di cư liên tiếp xảy ra tại một số khu vực trong nước. Mới đây nhất là vụ tấn công trong đêm 9/10 nhằm vào một nhà thi đấu thể thao tại thành phố Woerden, nơi có khoảng 150 người tị nạn, bao gồm 51 trẻ em đang tạm trú.

Rất may không ai bị thương trong vụ này, song Thủ tướng Mark Rutte đã phải lên tiếng kêu gọi người dân bình tình trước tình hình di cư và cam kết giải quyết các vấn đề liên quan.

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Đức sẽ không tăng thuế để bù lại các chi phí liên quan tới cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay.

Trả lời phỏng vấn báo Hình ảnh (Bild) của Đức số ra ngày 12/10, Thủ tướng Merkel giải thích rằng trong những năm qua, nước Đức đã quản lý hiệu quả nền kinh tế và tình hình kinh tế hiện nay cũng tốt đẹp. Theo đó, Đức sẽ không phải tăng thuế để bù lại những chi phí liên quan tới người di cư.

Tuy nhiên, bà Merken cũng đề cập tới "động cơ sai lầm" của những người di cư khi tới Đức là để được hưởng những phúc lợi xã hội tốt đẹp ở nước này, lĩnh vực mà Đức chi trả khá cao cho người tị nạn so với các nước châu Âu khác.

Bà cho biết Chính phủ Đức sẽ tính toán lại để phân bổ chủ yếu đồ dùng hoặc hiện vật cho người di cư tại các cơ sở tiếp nhận tị nạn, thay vì cung cấp tiền mặt cho họ.

Liên quan tới vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người tị nạn, Thủ tướng Merkel khẳng định sẽ vẫn áp dụng kế hoạch phát thẻ bảo hiểm cho người tị nạn, song đi kèm những điều kiện và hạn chế nhất định. Theo đó, trong 15 tháng đầu tiên, người tị nạn về cơ bản chỉ được điều trị những bệnh hiểm nghèo mà chưa được chữa trị với các dịch vụ y tế thông thường.

Việc chi trả cho lĩnh vực này không phải lấy từ quỹ bảo hiểm y tế mà do các địa phương hay chính quyền các bang chi trả.

Ngoài ra, một dự luật liên quan tới người tị nạn sẽ có hiệu lực trong tháng 11 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.