Hà Lan gia hạn giới nghiêm, Tây Ban Nha kéo dài kiểm soát biên giới

Lệnh giới nghiêm tại Hà Lan kéo dài từ 21 giờ tối hôm trước đến 4 giờ 30 sáng hôm sau, lần đầu tiên được áp dụng tại Hà Lan kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, sẽ được gia hạn đến ngày 2/3 tới.
Hà Lan gia hạn giới nghiêm, Tây Ban Nha kéo dài kiểm soát biên giới ảnh 1Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Haarlem, Hà Lan, ngày 23/1/2021, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế do dịch COVID-19 được áp đặt. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 8/2, Chính phủ Hà Lan đã quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm vào ban đêm, vốn được ban bố vào tháng trước, nhằm phòng tránh dịch COVID-19.

Theo tuyên bố của chính phủ sau cuộc họp nội các, lệnh giới nghiêm kéo dài từ 21 giờ tối hôm trước đến 4 giờ 30 sáng hôm sau, lần đầu tiên được áp dụng tại Hà Lan kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, sẽ được gia hạn đến ngày 2/3 tới.

Lệnh này dự kiến hết hiệu lực vào ngày 11/2. Tuyên bố khẳng định sự cần thiết của việc gia hạn lệnh giới nghiêm do sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Hơn 95% người dân Hà Lan đang phải tuân thủ lệnh giới nghiêm, vốn được đưa ra ngày 23/1 vừa qua, cùng với quy định chỉ cho phép một người khách tới thăm mỗi gia đình trong một ngày cũng như hạn chế các chuyến bay đến và đi từ một số nước.

Tuần trước, Chính phủ Hà Lan đã gia hạn một số hạn chế cho đến ngày 2/3, trong đó có việc đóng cửa quán bar, nhà hàng và các cửa hàng không thiết yếu, dù hầu hết các trường tiểu học đều mở lại vào ngày 9/2.

Sau khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực, nhiều cuộc biểu tình phản đối biện pháp này kéo theo bạo động đã nổ ra ở nhiều thành phố của Hà Lan trong suốt 3 ngày qua.

[Mỹ: Số ca COVID-19 hàng ngày lần đầu xuống dưới 100.000 trong năm 2021]

Cùng ngày, Chính phủ Tây Ban Nha thông báo sẽ kéo dài lệnh kiểm soát đường biên giới đường bộ dài 1.200km với Bồ Đào Nha cho đến ngày 1/3. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh cả hai nước đều đang nỗ lực kiềm chế làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19.

Ngày 28/1 vừa qua, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã nhất trí đóng cửa biên giới đối với những hoạt động đi lại không thiết yếu, trừ nhân viên y tế và lái xe tải.

Số ca nhiễm COVID-19 ở Bồ Đào Nha đã gia tăng kể từ sau Giáng sinh, khiến các bệnh viện ở nước này bên bờ vực sụp đổ, khiến nước này phải áp đặt  lệnh phong tỏa toàn quốc.

Số ca nhiễm và tử vong trong ngày ở Bồ Đào Nha đã giảm mạnh kể từ tuần trước, nhưng số bệnh nhân phải nhập viện và phải điều trị ở khoa hồi sức cấp cứu vẫn còn cao.

Tại Tây Ban Nha, làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 đang giảm dần, song giới chức nước này cảnh báo sự xuất hiện của các biến thể mới có thể khiến số ca nhiễm mới gia tăng trở lại.

Cũng trong ngày 9/2, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết tình hình dịch COVID-19 đã ổn định và nước này có thể không phải phong tỏa lần nữa. Theo ông, trong 3 tuần, mỗi ngày, Pháp ghi nhận trung bình 20.000 ca nhiễm mới và khoảng 3.000-3.200 bệnh nhân phải điều trị tích cực.

Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới tại Pháp là 4.317 ca, giảm mạnh so với mức 19.715 ca ghi nhận trong một ngày trước đó. Số người tử vong tăng thêm 458người, đưa tổng số người không qua khỏi lên 79.423 người. Hiện Pháp là nước có số ca tử vong cao thứ 7 trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.