Ngày 29/8, Chính phủ Hà Lan thông báo sẽ thu hồi hộ chiếu của những người có hai quốc tịch tham gia hàng ngũ các chiến binh thánh chiến, kể cả họ không có tiền án hình sự.
Quyết định này được đưa ra một ngày sau vụ bắt giữ hai thanh niên Hà Lan tham gia tuyển mộ chiến binh cho các cuộc xung đột tại Syria và Iraq.
Đây là một trong hàng loạt biện pháp nhằm chống lại phong trào cực đoan, khi rất nhiều thanh niên phương Tây hiện tham gia hàng ngũ của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoặc các nhóm cực đoan tại Syria hoặc Iraq.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Bộ trưởng Tư pháp Hà Lan Ivo Opstelten khẳng định luật pháp sẽ được thắt chặt để loại bỏ quốc tịch Hà Lan của các đối tượng gia nhập nhóm khủng bố có vũ trang, cho dù họ không có tiền án hình sự.
Ngoài ra, gói biện pháp cũng nhằm mục đích phòng ngừa sự lan truyền của chủ nghĩa cực đoan trên mạng bằng cách chặn các nhà cung cấp dịch vụ Internet cho phép quảng bá chủ nghĩa thánh chiến.
Biện pháp trên được đưa ra trong bối cảnh số lượng các chiến binh thánh chiến đến từ phương Tây gia tăng, khiến chính quyền các quốc gia châu Âu lo ngại khả năng xảy ra khủng bố ở các quốc gia này do các chiến binh quay trở về đất nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở La Hay, Bộ trưởng Ivo Opstelten nhấn mạnh biện pháp rút quốc tịch chỉ được áp dụng đối với những người mang quốc tịch kép, con số này là không nhỏ trong số gần 1 triệu người Hồi giáo Hà Lan. Những người bị thu hồi quốc tịch Hà Lan sẽ không thể trở về nước này.
Tất cả những người được huấn luyện tại trại thánh chiến hoặc hỗ trợ tuyển mộ chiến binh cũng sẽ bị thu hồi quốc tịch Hà Lan.
Tại Hà Lan hiện có khoảng 130 người rời đất nước tham gia hàng ngũ thánh chiến. Theo số liệu của Cơ quan mật vụ Hà Lan (AIVD), 30 người trong số họ đã trở về và 14 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 29/8, Chính phủ Anh cũng đã nâng mức cảnh báo khủng bố từ quan trọng lên nghiêm trọng.
Người phát ngôn Chính phủ Theresa May cho biết quyết định được đưa ra liên quan đến diễn biến gần đây tại Iraq và Syria, cũng như một số nghi ngờ các phần tử thánh chiến đã trà trộn trong số người Anh đến châu Âu gần đây, tuy nhiên không hàm ý đến một khả năng xảy ra khủng bố./.