Ngày 24/8, Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Lan đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Y tế Edith Schippers và Thứ trưởng Kinh tế Martijn van Dam về vụ bê bối trứng "bẩn," được cho là bắt nguồn từ nước này và hiện đã lan rộng tại châu Âu cùng một số nước châu Á.
Trong phiên điều trần đặc biệt kéo dài 5 giờ đồng hồ, hai quan chức nói trên đã bị các nghị sỹ Quốc hội chất vấn dồn dập về vụ trứng gia cầm nhiễm thuốc trừ sâu fipronil, vốn bị Liên minh châu Âu (EU) cấm sử dụng cho các loại động vật chăn nuôi lấy thịt, như gà.
Nhiều nghị sỹ chỉ trích Cơ quan quản lý thực phẩm và hàng hóa Hà Lan (NVWA) vì đã không thể ngăn chặn vụ việc lan rộng tại châu Âu cũng như ngoài khu vực. Các nhà lập pháp cho rằng NVWA cần có hành động cụ thể từ tháng 11/2016, sau khi nhận được báo cáo đầu tiên về việc sử dụng fipronil tại các trang trại sản xuất trứng gà.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Schippers và Thứ trưởng Kinh tế van Dam đã phản bác các cáo buộc nhằm vào NVWA, cho rằng cơ quan này đang "hoạt động hết công suất" nhằm tăng cường quản lý và thông tin.
Ông van Dam nêu rõ cơ quan chức năng đang nỗ lực cải thiện hình ảnh của ngành chăn nuôi gia cầm của Hà Lan, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chính của nước này như Đức, vốn nhập khẩu tới 71% lượng trứng gà từ thị trường Hà Lan. Hai quan chức nói trên đồng thời bác bỏ cáo buộc cho rằng vụ bê bối trứng "bẩn" xảy ra do tình trạng cắt giảm ngân sách trong những năm gần đây.
[Bê bối "trứng bẩn" tại châu Âu tiếp tục lan rộng ra ngoài khu vực]
Theo số liệu thống kê của Chính phủ Hà Lan công bố ngày 23/8 vừa qua, các trang trại nuôi gà tại Hà Lan đã bị thiệt hại khoảng 33 triệu euro sau khi trứng gà bị phát hiện nhiễm chất fipronil độc hại.
Hàng triệu quả trứng và sản phẩm làm từ trứng hoặc có thành phần trứng của Hà Lan đã bị thu hồi tại nhiều quốc gia trên toàn châu Âu và thậm chí ở cả một số nước châu Á. Hàng chục trang trại nuôi gà tại Hà Lan đã phải đóng cửa kể từ khi bê bối trứng "bẩn" bị phanh phui hôm 1/8 vừa qua.
Vụ bê bối trứng "bẩn" hiện đã lan rộng tới 17 nước châu Âu, trong đó Bỉ, Hà Lan và Đức là ba quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Fipronil được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm thú y để diệt bọ chét, rận, bọ chó nhưng bị EU cấm sử dụng cho các loại động vật chăn nuôi lấy thịt, như gà.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu sử dụng với số lượng lớn, loại hóa chất này có thể "gây nguy hiểm nhẹ" cho thận, gan và tuyến giáp.
Hà Lan cũng từng là tâm điểm của vụ bê bối thực phẩm "bẩn" hồi năm 2013 với vụ thịt ngựa giả thịt bò được bày bán khắp châu Âu./.