Hà Nội cần gần 30 tỷ đồng để chống sạt lở đê hữu Đáy

Theo đề xuất của UBND huyện Mỹ Đức, quy mô xử lý khẩn cấp chống sạt lở đê hữu Đáy, đoạn từ xã Phúc Lâm đi An Mỹ, gồm 3 gói thầu, với kinh phí gần 30 tỷ đồng.

Trước tình trạng sạt lở đoạn đê sông Đáy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì cùng các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá cụ thể nguyên nhân, mức độ sạt lở, hư hỏng các công trình đoạn đê hữu Đáy, từ xã Phúc Lâm đi xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức để đề xuất mức độ, hình thức xử lý theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thống nhất với Sở Tài chính, trên cơ sở kiểm tra, đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đề xuất bố trí vốn thực hiện trong trường hợp phải xử lý khẩn cấp, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố.

Theo đề xuất của Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức, quy mô xử lý khẩn cấp chống sạt lở đê hữu Đáy đoạn từ xã Phúc Lâm đi An Mỹ dài 2,64km, gồm 3 gói thầu, trong đó gói thầu thứ nhất xử lý đoạn đê dài 860m, từ thôn Phù Yên, xã Phúc Lâm đến điểm cuối thôn Vĩnh Xương, xã Mỹ Thành với kinh phí đầu tư khoảng 9,5 tỷ đồng; gói thầu thứ hai xử lý khẩn cấp chống sạt lở đê hữu Đáy đoạn qua xã Bột Xuyên (từ thôn Phú Khê đến thôn Phú Hữu) dài 980m với kinh phí đầu tư khoảng 9,8 tỷ đồng; xử lý khẩn cấp chống sạt lở đê hữu Đáy đoạn từ xã Bột Xuyên đến xã An Mỹ (từ trạm bơm Lai Tảo, xã Bột Xuyên đến trạm bơm Tảo Khê, xã An Mỹ) dài 800m với kinh phí đầu tư khoảng 9,6 tỷ đồng.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng giao cho huyện Thanh Oai chủ trì cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lên phương án xử lý tình trạng sạt lở bờ tả sông Đáy tại các thôn Đôn Thư (xã Kim Thư), Tây Sơn (xã Phương Trung) và xử lý sụt sạt bở tả sông cụt Thạch Nham bảo vệ chùa, đình, miếu thôn Thạch Nham (xã Mỹ Hưng), huyện Thanh Oai.

Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Oai có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ kiểm tra, đánh giá hiện trạng toàn bộ các tuyến đê, hệ thống tiêu thoát nước trên địa bàn, thống nhất phương án và chủ động xử lý những điểm xung yếu theo phương châm “bốn tại chỗ,” bảo đảm an toàn đê điều và chủ động trong công tác phòng chống lụt, bão, úng năm 2014.

Cùng với đó, chỉ đạo thực hiện giải tỏa các vi phạm đê điều, công trình thủy lợi bảo đảm đúng quy định của pháp luật; sẵn sàng triển khai phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn tuyệt đối hệ thống đê điều, công trình phòng chống lụt, bão, úng, bảo vệ người và tài sản của nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi có lụt, bão, úng xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục