Hà Nội: Cần mở rộng ngân hàng dữ liệu trong đặt tên đường phố

Việc đặt tên, đổi tên đường phố, công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học và đông đảo người dân.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Được xác định là vấn đề quan trọng, bức thiết trong công tác quản lý đô thị, nhất là ở vị trí Thủ đô, việc đặt tên, đổi tên đường phố, công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học và đông đảo người dân.

Trong những năm qua, mặc dù việc đặt tên, đổi tên đường phố chưa mắc phải sai sót nhưng vẫn còn một số bất cập, thiếu đồng bộ. Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức ngày 5/11, các nhà khoa học và đơn vị quản lý văn hóa đã chỉ ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh.


Ngân hàng dữ liệu tên đường phố cần rộng mở

Trong nhiều năm qua, Hà Nội xây dựng ngân hàng dữ liệu tên đường, phố, công trình công cộng nhằm chủ động hơn cho công tác này và ngân hàng tên đường, phố liên tục được bổ sung dữ liệu. Trong quá trình đặt tên đường phố, tên địa danh, nhất là địa danh cổ thường được ưu tiên đặt tên. Tuy nhiên, theo Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, tại ngân hàng dữ liệu tên đường phố, ngành văn hóa Hà Nội cần bổ sung các địa danh tiêu biểu của cả vùng và cả nước, địa danh gắn liền với di sản văn hóa bên cạnh địa danh Hà Nội. Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên cần có sự rộng mở, có địa danh của cả quốc gia.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê cũng dẫn chứng: “Các địa danh Trường Sa, Hoàng Sa chưa có mặt ở Hà Nội. Đó là chúng ta đi chậm một bước so với nhiều địa phương khác."

Một mặt, ngân hàng này cũng cần bổ sung thêm tên các danh nhân văn hóa, các nhân vật có công lớn với đất nước và Hà Nội. Trong khi có ý kiến cho rằng, trên thế giới không đặt tên danh nhân cho đường phố nhưng với Hà Nội cũng như các tỉnh, thành cả nước, đây là hình thức để tôn vinh và tri ân những người có đóng góp lớn. Vì vậy, công tác này cần được ngành văn hóa Hà Nội rà soát kỹ và khi đặt tên cần có sự công minh. Trên thực tế, thời gian gần đây việc đặt tên các nhân vật hiện đại quá nhiều trong khi đó thiếu bóng nhiều danh nhân lịch sử có công lớn. Ví dụ, thời chúa Trịnh chưa được quan tâm để bổ sung vào ngân hàng tên đường phố, trong khi đó thời kỳ này xuất hiện nhiều người có công mở rộng, kiến tạo Hà Nội. ​Mặt khác, Hà Nội cũng vắng bóng các danh nhân quốc tế.

Ngoài đường Yecxanh, vườn hoa Pa​steur, công viên Lênin, vườn hoa Indira Gandhi, nhiều nhà bác học lớn của thế giới không được gắn tên đường tại Hà Nội. Do vậy, việc mở rộng tầm nhìn ra cả nước và thế giới là thực sự cần thiết trong xây dựng ngân hàng dữ liệu tên đường phố, công trình công cộng.

Các nhà khoa học cũng cho rằng, sau khi lập ngân hàng dữ liệu, tên các nhân vật, địa danh không chỉ dừng ở thống kê mà còn lập hồ sơ cho nhân vật, địa danh đó. Hồ sơ phải được xây dựng theo mẫu, có ý kiến đóng góp và xác nhận của các nhà khoa học đảm bảo tính chính xác và khoa học.

Cần có tiêu chí cụ thể cho việc đặt tên đường phố

Từ tầm quan trọng của việc đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng, năm 2005 Chính phủ có Nghị định 91/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng. Năm 2006 Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có quyết định số 207/2006/QĐ-UBND về việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn Hà Nội.

Song theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, từ quy chế đến thực tế là một khoảng cách lớn. Việc lựa chọn danh nhân nào, đóng góp như thế nào để đặt tên đường phố, rồi đến việc lựa chọn đường phố nào để đặt tương ứng với công lao của danh nhân đó mới là vấn đề đáng bàn. Hay khi đặt tên, khu nào nên đặt tên danh nhân văn hóa, khu nào đặt tên nhân vật lịch sử thì cũng chưa có quy chế cụ thể.

Đồng quan điểm trên, ông Bùi Thế Quân, Phó Phòng Văn hóa thông tin quận Long Biên cũng khẳng định, việc ban hành quy chế về đặt tên đường, phố, công trình công cộng của thành phố chưa cụ thể dẫn đến việc triển khai tại cơ sở gặp nhiều khó khăn. Các văn bản hiện tại chưa đưa ra được các tiêu chí cụ thể về tuyến đường, tuyến phố từ độ dài, rộng… mà các tiêu chí mới mang tính định tính. Ông Bùi Thế Quân đề xuất, thành phố cần đưa ra các tiêu chí cụ thể mang tính định lượng để triển khai tốt việc đặt tên đường phố tại cơ sở.

Vấn đề này cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Tiến s​ỹ Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia bày tỏ: Hà Nội cần xây dựng tiêu chí cho việc đặt tên đường, phố trên địa bàn nói riêng và đặt tên, đổi tên đường phố và các công trình công cộng nói chung. Tiêu chí này phải được xây dựng trong mối quan hệ giữa tên gọi với vị trí, quy mô, cơ sở hạ tầng… của đường, phố. Tiêu chí phải phân được các cấp độ, dựa trên vị trí cả tên gọi và quy mô đường phố. “Nói là vậy nhưng làm được tiêu chí để áp dụng cho công tác này một cách ưu việt là vô cùng khó khăn, đặc biệt là các tiêu chí đối với đặt tên danh nhân đòi hỏi sự đầu tư của nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp” – ông Quân cho biết.

Ngoài ra, tại hội thảo, các nhà khoa học cũng đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến việc tổng rà soát lại toàn bộ tên đường phố đã đặt để rút ra được những mặt được và chưa được để khắc phục, quy hoạch đặt tên đường phố phải đồng bộ cùng quy hoạch phát triển Hà Nội, khi gắn tên đường phố cần giải thích được ý nghĩa, giá trị của tên đó, cần quan tâm đến công tác tuyên truyền tới nhân dân…

Tên đường phố được xác lập một cách khoa học, văn minh sẽ đóng góp không nhỏ vào văn minh đô thị. Đây không chỉ là vấn đề địa chỉ giao lưu, hướng dẫn giao dịch tiếp xúc mà còn góp phần làm cho vấn đề trật tự, chính trị, xã hội, kinh tế, bộ mặt kiến trúc của Hà Nội được thuận lợi, dễ dàng trong quản lý, sử dụng. Hơn nữa, việc đặt tên đường phố cũng là sự tri ân công lao của các danh nhân nổi tiếng có nhiều đóng góp cho Hà Nội và đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục