Hà Nội chủ động phòng ngừa, ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn

Hà Nội còn tồn tại nhiều công trình cũ, xuống cấp dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ với mức độ nghiêm trọng, phức tạp, có thể vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trên địa bàn thành phố.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN phát)

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch để chủ động phòng ngừa, sẵn sàng phương án ứng phó khi xảy ra thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn Thủ đô.

Thành phố đề ra mục tiêu chung là chủ động huy động tối đa lực lượng, phương tiện trên địa bàn tham gia ứng phó thảm họa cháy lớn tại các lĩnh vực trên, góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành chủ động nắm tình hình, kịp thời cập nhật thông tin dự báo về thiên tai, thảm họa, các khu vực chịu ảnh hưởng và có thể bị tác động gây cháy lớn để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Từ đó, rà soát phương án, kế hoạch huy động lực lương, phương tiện sẵn sàng ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.

[Nhà ống nằm sâu trong ngõ nhỏ, phố nhỏ: Mở lối thoát hiểm thế nào?]

Các địa phương phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ'" trong hoạt động ứng phó thảm họa, chuẩn bị các điều kiện, bảo đảm thống nhất về công tác chỉ huy trong mọi tình huống; đáp ứng yêu cầu huy động các lực lượng, phương tiện phù hợp với mục tiêu “lực lượng tại chỗ tiếp cận ứng phó nhanh, các lực lượng xung quanh chi viện kịp thời."

Đánh giá của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về tình hình cháy nổ trên địa bàn cho thấy Hà Nội là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm về văn hóa, khoa học, kinh tế, giáo dục và giao lưu quốc tế, nơi tập trung các cơ quan của Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế.

Tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và mật độ dân số của Hà Nội tăng nhanh, các khu đô thị, tổ hợp nhà cao tầng, siêu cao tầng, công trình hiện đại, đa năng, khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ... tiếp tục được xâỵ dựng và phát triển cùng với nhu cầu sử dụng điện, xăng dầu, khí đốt, hóa chất ngày càng lớn.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại nhiều công trình cũ, xuống cấp dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn với mức độ nghiêm trọng, phức tạp, có thể vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trên địa bàn thành phố.

Dự báo thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn trên địa bàn thành phố còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, ý thức chủ quan, thiếu cảnh giác của một bộ phận quần chúng nhân dân về công tác phòng cháy, chữa cháy; cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ công tác chữa cháỵ và cứu nạn, cứu hộ như giao thông, nguồn nước còn những hạn chế nhất định sẽ ảnh hưởng đến công tác tổ chức cứu chữa các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn, đặc biệt đối với các loại hình nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xác định các mức độ thảm họa cháy lớn để phân cấp ứng phó, gồm:

Mức độ 1: cháy, nổ xảy ra trên diện rộng và gây sập đổ nhiều nhà, công trình hoặc hạng mục công trình có hàng trăm người chết, bị thương và bị mắc kẹt trong khu vực xảy ra, cần huy động nhanh chóng tổng lực các lực lượng, phương tiện trên địa bàn tham gia xử lý.

Mức độ 2: cháy, nổ xảy ra ở mức độ 1 nhưng vẫn tiếp tục phát triển phức tạp, có nguy cơ gây cháy, nổ trên diện rộng lớn hơn, kèm theo nhiều khói, khí, hơi độc hại và còn nhiều người bị mắc kẹt mà vượt quá khả nãng xử lý của các lực lượng, phương tiện trên địa bàn thành phố, cần huy động lực lượng, phương tiện của Công an các tỉnh lân cận và các đơn vị Quân đội, các bộ, ngành chức năng liên quan.

Xe cứu hỏa có mặt tại hiện trường vụ cháy, ngõ 7, phố Gầm Cầu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN phát)

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có kế hoạch phân cấp, khi xảy ra thảm họa cháy lớn ở mức độ 1, thành phố tổ chức huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn tham gia ứng phó.

Trường hợp thảm họa cháy lớn vượt quá khả năng và xét thấy cần thiết thì Công an thành phố báo cáo, đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố kịp thời báo cáo, đề nghị Bộ Công an hỗ trợ, huy động lực lượng tham gia ứng phó.

Khi xảy ra thảm họa cháy lớn ở mức độ 2, Ủy ban Nhân dân thành phố báo cáo, đề nghị Bộ Công an hỗ trợ, huy động lực lượng tham gia ứng phó, Bộ Công an sẽ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố và các bộ, ngành, địa phương khác tham gia ứng phó…

Theo kết quả điều tra, khảo sát, trên địa bàn Thủ đô hiện có 1.437 công trình nhà cao tầng, trong đó có 94 công trình cao trên 100m. Một số tòa nhà, khu cao tầng điển hình như: các tòa nhà Lotte (Ba Đình), Keangnam (Nam Từ Liêm), các Khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai), Times City (Hai Bà Trưng), Royal City (Thanh Xuân)...

Về khu dân cư, Hà Nội hiện có 5.311 khu dân cư, trong đó có 438 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao tại các phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Mã, Hàng Bồ, Hàng Hòm... (Hoàn Kiếm); các khu tập thể cũ, quy mô lớn với hàng nghìn hộ dân sinh sống như Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Giảng Võ, Thành Công (Ba Đình), Kim Liên, Văn Chương (Đống Đa), Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng), Tân Mai (Hoàng Mai).

Toàn thành phố có 9 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp. Một số khu công nghiệp lớn như Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh), Thạch Thất-Quốc Oai, Nam Thăng Long (Bẳc Từ Liêm), Thăng Long (Đông Anh), Nội Bài (Sóc Sơn)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục