Hà Nội: Cụm công nghiệp Bắc Từ Liêm đã được lấp đầy 100%

Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng Bắc Từ Liêm, số dự án đã được cấp phép đầu tư vào cụm công nghiệp là 86, đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, tuy nhiên có 120 doanh nghiệp đang hoạt động trong cụm công nghiệp.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 5/3, ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cùng đoàn công tác đi kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh đầu năm 2021 và phòng, chống dịch COVID-19 của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Tại buổi làm việc, Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm cho biết số dự án đã được cấp phép đầu tư vào cụm công nghiệp là 86, đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, tuy nhiên có 120 doanh nghiệp đang hoạt động trong cụm công nghiệp.

Loại hình sản xuất được thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp là vừa và nhỏ gồm các lĩnh vực cơ khí, cơ khí nhựa, in ấn bao bì, sản xuất đồ gia dụng, dệt may, thực phẩm, thương mại…

Ông Nguyễn Minh An, Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, cho hay năm 2021 được đánh giá là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại cụm công nghiệp cũng đã năng động, đổi mới thích ứng với điều kiện mới.

Với tinh thần “khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba," quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép"..., các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như chuyển hướng kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi sản phẩm dịch vụ chủ lực, tích cực tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm mới.

Do vậy, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì tương đối ổn định, người lao động được trả lương đầy đủ và đúng hạn, không có tình trạng người lao động bị cắt giảm lương, nghỉ không hưởng lương theo tinh thần “không có ai bị bỏ lại phía sau."

Về phòng, chống dịch, cùng với việc thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế, có những doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại công ty, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 trên cơ sở đánh giá nguy cơ lây nhiễm đối với cơ sở sản xuất.

Ông Hà Quyết Thắng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và dịch vụ thương mại Kim Long, cho biết là công ty vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cơ khí, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động của công ty, lượng đơn hàng sụt giảm rõ rệt. Thế nhưng, do doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ nên việc xoay xở, thích ứng trong hoàn cảnh mới cũng khá nhanh.

Vì vậy, công ty vẫn đảm bảo việc làm cho người lao động với mức thu nhập không giảm dù doanh thu của doanh nghiệp giảm từ 15-20%. Đến thời điểm hiện tại, hoạt động của doanh nghiệp đã trở lại bình thường.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nước giải khát chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, sản lượng sụt giảm nghiêm trọng, kinh doanh không có lãi, thậm chí là âm.

Là doanh nghiệp làm trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo, chuyển giao công nghệ cho các nhà máy bia, rượu, nước giải khát, ông Đinh Văn Thành - Tổng Giám đốc Công ty Cơ nhiệt Điện lạnh Bách khoa (Polyco) cho hay năm 2020, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều từ dịch COVID-19 do tình hình sản xuất của các nhà máy đang sụt giảm dẫn đến các dự án của doanh nghiệp cũng giảm theo. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì quân số lao động - nhân tố con người là hết sức quan trọng vì công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết bị công nghệ.

[Hà Nội xây dựng kịch bản '3 thời điểm' phát triển sản xuất kinh doanh]

Cùng với việc cải tiến quy trình sản xuất, doanh nghiệp còn nâng cao an toàn lao động để đáp ứng các điều kiện xuất khẩu, nắm bắt cơ hội thị trường khi dịch bệnh qua đi. Đây cũng là điều kiện và cơ hội mở ra cho đơn vị trong năm 2021.

Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp cũng đề xuất Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các sở, ban ngành và có kiến nghị lên thành phố Hà Nội để có các biện pháp, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về tài chính như: đề xuất các ngân hàng, tổ chức tín dụng giảm lãi suất, kéo dài thời hạn cho vay; giãn thời gian nộp, miễn giảm một số loại thuế, bảo hiểm xã hội, không tính lãi đối với các khoản thuế và bảo hiểm nộp chậm trong quý 1 và 2/2021 đối với doanh nghiệp.

Sau khi đi kiểm tra tình hình sản xuất cũng như thực hiện phòng chống dịch COVD-19 của các doanh nghiệp, ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh Sở Công Thương Hà Nội luôn có sự kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp, do đó đã nắm bắt và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, do dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu nên các doanh nghiệp phải đối mặt với các khó khăn mới như giá nguyên liệu tăng cao, có loại tăng đến 30%, chi phí logistics tăng đến 3-4 lần.

Để giúp các doanh nghiệp phát triển, theo ông Đàm Tiến Thắng, Sở Công Thương Hà Nội sẽ kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần hỗ trợ về mặt đất đai để doanh nghiệp ổn định đầu tư sản xuất cũng như thủ tục hành chính, đào tạo nhân lực xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, khơi thông hàng hóa và các vấn đề về thông quan, vận chuyển.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục