Hôm nay, ngày 3/3, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đã yêu cầu các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thực hiện khảo sát về số lượng học sinh khối 12 lựa chọn loại hình cụm thi.
Cụ thể, theo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi sẽ có hai loại hình dành cho hai đối tượng khác nhau.
Thứ nhất là cụm thi do các trường đại học chủ trì phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo tổ chức dành cho những thí sinh thi để xét công nhận tốt nghiệp và lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Cụm thi này sẽ tổ chức theo hình thức liên tỉnh, ít nhất có hai tỉnh, thành trong một cụm thi.
Thứ hai là cụm thi do các sở giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với các trường đại học cao đẳng, dành cho những thí sinh chỉ thi để xét công nhận tốt nghiệp, không dùng kết quả xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Cụm thi này tổ chức ở các địa phương, thí sinh có thể dự thi ngay tại trường mình theo học.
Tuy khác nhau về địa điểm, đơn vị chủ trì nhưng cả hai cụm thi đều chung đề và diễn ra cùng lúc, đảm bảo độ nghiêm túc như nhau.
Dự kiến, Hà Nội sẽ có 8 hội đồng thi do các trường đại học chủ trì. Nếu có thêm một hội đồng thi dành cho thí sinh chỉ thi tốt nghiệp của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chủ trì nữa là 9 cụm thi.
Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Hà Nội sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho thí sinh để đảm bảo quyền lợi của các em. “Nếu số lượng thí sinh đủ lớn, khoảng từ 2, 3 phòng, Sở sẽ lập hội đồng thi riêng. Tuy nhiên, nếu chỉ khoảng 20 em đăng ký thì Sở có thể gửi những em này vào một trong các hội đồng thi do trường đại học chủ trì, không nhất thiết phải tổ chức hội đồng riêng,” ông Độ nói.
Theo ông Độ, việc thành lập hội đồng thi phức tạp và tốn kém với nhiều ban bệ, chuẩn bị, tổ chức trong khi dù thi ở cụm nào thí sinh vẫn làm cùng một đề thi như nhau, khâu coi thi vẫn đảm bảo độ nghiêm túc như nhau. Vì thế, việc quá ít thí sinh trong một hội đồng sẽ là lãng phí./.