Nhằm xử lý rác thải theo công nghệ đốt, hạn chế chôn lấp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công suất 500 tấn/ngày tại thôn Lễ Thượng, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 217 tỷ đồng.
Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt này do Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long (nhà đầu tư) triển khai thực hiện theo hình thức xã hội hóa đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Nhà máy áp dụng công nghệ đốt 2 cấp có xử lý khói thải, có thu hồi một phần nhiệt để sấy rác trước khi đưa vào lò đốt.
Để tổ chức xây dựng nhà máy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Vũ Hồng Khanh đã ra quyết định số 1461/QĐ-UBND, yêu cầu Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long nghiên cứu lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tuân thủ yêu cầu Luật Bảo vệ môi trường và các Nghị định hướng dẫn thi hành…
Cùng với đó, chủ đầu tư phải thực hiện vận hành dự án phát huy hiệu quả đầu tư, áp dụng công nghệ, quy trình xử lý tiên tiến, hiện đại, đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh môi trường. Đề xuất phương án khai thác vận hành kinh doanh dự án đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Về phía cơ quan quản lý, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì giám sát quá trình thi công, vận hành khai thác nhà máy đồng thời kiểm tra đánh giá chất lượng rác thải sau khi xử lý; hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cũng giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các ngành xác định giá xử lý rác thải theo đúng quy định về quản lý chất thải rắn và các quy định hiện hành trên cơ sở phương án khai thác vận hành kinh doanh dự án do nhà đầu tư đề xuất để đảm bảo hiệu quả đầu tư, hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước và cộng đồng dân cư./.