Hà Nội dừng đỗ xe chéo để thí điểm thu phí trông giữ theo giờ

Các xe ôtô tại điểm trông giữ xe trên 2 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo đã được chuyển từ đỗ chéo sang đỗ dọc để thí điểm tổ chức trông giữ xe thu phí theo giờ.
Ôtô đã được chuyển từ đỗ chéo sang đỗ dọc trên tuyến phố Trần Hưng Đạo. (Ảnh: Nguyễn Hằng/Vietnam+)

Các xe ôtô có nhu cầu vào điểm trông giữ xe trên 2 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo đã được chuyển từ đỗ chéo theo mép đường, sát vỉa hè sang đỗ dọc để thí điểm tổ chức trông giữ xe thu phí theo giờ.

Chỉ đạo tại Hội nghị quán triệt trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông ngày vừa 4/3 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, việc trông giữ xe trên lòng đường tại một số tuyến phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt để xe chéo 45 độ không hợp lý, gây lấn chiếm lòng đường cần phải chấn chỉnh lại.

Ghi nhận của phóng viên VietnamPlus sáng ngày 20/3 cho thấy, các điểm trông giữ xe trên 2 tuyến phố này đều được sơn, kẻ lại vạch theo hướng dọc tuyến đường, từng xe đỗ theo hàng đúng quy định.

[Từ 1/4, Hà Nội ứng dụng công nghệ thu phí trông giữ xe theo giờ]

Theo đánh giá của một số người dân lưu thông trên 2 tuyến phố này, trong khung giờ cao điểm, so với việc đỗ xe chéo, ùn ứ giao thông đã không còn xảy ra bởi diện tích xe chiếm dụng lòng đường của việc đỗ dọc đã giảm tới 1m so với trước kia. Các phương tiện xe máy dễ dàng di chuyển mà không phải lấn làn ra giữa lòng đường.

“Khi đỗ xe chéo, tại các ngã tư tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm. Xe ôtô đỗ dưới lòng đường lại ghếch đầu ra khiến nhiều xe ôtô, xe máy đi lại khó khăn. Chưa kể, mỗi lần cánh tài xế tạt xe buýt vào nhà chờ đều cắt ngay vạch đầu điểm đỗ khiến nhiều người phải dừng xe để tránh, rất nguy hiểm cho việc đi lại,” chị Trần Thị Nhung (Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) cho hay.

Có 3 năm thâm niên trông giữ xe tại điểm đỗ trên đường Lý Thường Kiệt, anh Nguyễn Đình Phúc, nhân viên trông giữ xe Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết, xe ôtô chuyển từ đỗ chéo sang dọc được thực hiện từ ngày 15/3 vừa qua sau khi cơ quan chức năng tiến hành sơn, kẻ lại vạch.

Theo anh Phúc, trước kia, lòng đường xe được đỗ chéo trông giữ tới 25 xe nhưng khi chuyển sang đỗ dọc chỉ được 13 xe. Như vậy, diện tích điểm đỗ dành cho xe đã mất 1/2, đó là chưa kể, lái xe lùi vào trông ô cũng khó hơn.

Trả lời cho việc đỗ dọc sẽ giảm ùn tắc giao thông so với đỗ chéo, anh Phúc khẳng định, vào giờ cao điểm, người dẫn vẫn đi ra ngoài nên tình hình ùn tắc giao thông không giảm nhiều.

Ủng hộ đỗ xe chéo đỡ vất vả hơn cho cả người trông giữ và chủ xe vào gửi, anh Phúc cho rằng, khi đỗ dọc cánh tài xế lo nhất là quệt đầu hay đuôi xe trước và sau khi vào ô đỗ. Thậm chí, nếu chủ xe mỗi khi mở cửa không để ý thì rất dễ gây tai nạn cho người đi đường cùng chiều.

“Do diện tích bị thu hẹp, một số chủ xe trước đây gửi bãi này đã chuyển sang đi xe máy hoặc taxi. Có trường hợp, 4 người bạn thường xuyên hẹn nhau tại quán càphê trên phố này để làm việc đã chuyển từ mỗi người một xe sang đi chung với nhau do không có chỗ gửi xe,” anh Phúc nói.

Về vấn đề xếp xe trên tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo đang nghiêng góc 45 độ chuyển sang xếp dọc, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, mật độ tham gia giao thông trên các tuyến phố này tăng lên, việc xếp dọc xe sẽ dành thêm nhiều diện tích đường cho phương tiện tham gia giao thông. Mặt khác, sắp tới ứng dụng công nghệ quản lý dịch vụ trông giữ xe từ ngày 1/4 tới đây, phương tiện phải xếp theo chiều dọc thì mới phù hợp.

Được biết, Hà Nội bắt đầu thí điểm việc trông giữ xe dưới lòng đường phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo từ ngày 1/7/2014 và kéo dài đến nay.

Để thực hiện thí điểm vào lúc đó, Sở Giao thông Vận tải đã quyết định thu hồi 25 giấy phép trông giữ xe đã cấp cho các đơn vị trên 2 tuyến phố, giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội trực tiếp quản lý.Việc trông giữ xe sẽ được thực hiện một bên đường, xe đỗ chéo góc 45 độ. Phí trông giữ xe được thu theo lượt, mỗi lượt 2 tiếng đồng hồ./.

Theo thống kê, năm 2016, Hà Nội có 939 điểm trông giữ phương tiện lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Cụ thể, trông trên vỉa hè là 687 điểm, trông dưới lòng đường là 245 điểm. Trong đó, có 695 điểm là có phép và 244 điểm là không có phép.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục