Ngày 12/8, tại hội nghị Tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị các ngành liên quan trong năm học này giải quyết dứt điểm, không để tồn tại tình trạng giáo viên hợp đồng lâu năm, giảm tình trạng học trái tuyến, khuyến khích các trường chất lượng cao đề xuất cơ chế tự chủ.
Trong năm học mới này, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, xây dựng trường học an toàn, thân thiện, tích cực; tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tăng cường giám sát thực hiện kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo...
Ngành giáo dục-đào tạo thành phố sẽ rà soát, chuẩn hóa đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, sửa chữa chống xuống cấp, cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh trong trường học và công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Bên cạnh đó, thành phố cũng chú trọng thực hiện việc tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục, tập trung ưu tiên đầu tư cho các địa phương còn khó khăn, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng miền của Thủ đô; triển khai thực hiện tốt chương trình thí điểm đào tạo song bằng trong trường phổ thông và các cuộc thi quốc tế; đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn tại các trường chuyên, trường chất lượng cao, góp phần tạo nguồn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Biểu dương những nỗ lực, cố gắng của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô trong năm học vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, cần vai trò, trách nhiệm rất lớn của Ủy ban Nhân dân các địa phương.
Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị các quận, huyện, thị xã cùng các trường học trên địa bàn Hà Nội phối hợp, sớm tham mưu, đề xuất cho thành phố triển khai chương trình để đạt được mục tiêu đào tạo cho học sinh theo hướng coi trọng vấn đề đạo đức, kiến thức, tri thức, đáp ứng yêu cầu đào tạo không chỉ của đất nước mà còn cả quốc tế; đồng thời, tiếp tục nỗ lực hợp tác với các tổ chức quốc tế để đưa giáo dục Thủ đô hội nhập ở khu vực và thế giới, tiếp tục hoàn thành các chương trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, chất lượng cao, tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất cho học sinh.
[Giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn lo ngại tính minh bạch của vòng phỏng vấn]
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng mong muốn đội ngũ cán bộ, thầy và trò ở tất cả các trường nhìn thẳng vào những tồn tại trong hệ thống các nhà trường, học tập các mô hình hay, từ đó xây dựng môi trường giáo dục Thủ đô có chất lượng ngày càng tốt hơn.
Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã hoàn thành tốt 9 nhiệm vụ chủ yếu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tạo chuyển biến mạnh cả về quy mô và chất lượng.
Một trong những kết quả nổi bật là tích cực tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố, phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm với các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã tăng cường đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất trường, lớp học, đáp ứng sự gia tăng về số lượng học sinh và yêu cầu nhiệm vụ.
Toàn thành phố đã thành lập mới và xây mới 77 trường học; cải tạo và nâng cấp hơn 400 trường học, trong đó xây mới gần 2.500 phòng học.
Năm học 2018-2019 còn là năm học đánh dấu bước chuyển mạnh trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia của Hà Nội. Toàn thành phố đã có 66,7% số trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn, vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI.
Quy mô và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Thủ đô cũng ngày càng hoàn thiện với hơn 150.000 người, trong đó 100% giáo viên đều đạt chuẩn về trình độ đào tạo và kỹ năng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Trên nền tảng cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn và kỹ năng vững vàng, chất lượng giáo dục ở các nhà trường có sự khởi sắc rõ nét, khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các trường học ở các địa bàn dần ngắn lại. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2019 tăng 0,8% so với năm 2018.
Việc quan tâm đầu tư cải thiện cơ sở vật chất còn làm tăng tỷ lệ trẻ mầm non trên địa bàn Hà Nội ăn bán trú lên 99%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm 0,5%.
Ở cấp tiểu học, tỷ lệ trẻ 6 tuổi đi học đạt 100%, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt hơn 90%.
Đáng chú ý, Thủ đô Hà Nội tiếp tục giữ vững vị thế là đơn vị dẫn đầu trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với 134 giải.
Tại các kỳ thi cấp quốc tế, Hà Nội cũng đã ghi dấu ấn khi giành 197 giải và huy chương, trong đó có 1 học sinh lần đầu tiên đem vinh dự về cho Việt Nam khi giành điểm tuyệt đối ở phần thi thực hành tại Olympic Hóa học quốc tế.../.