Hà Nội khánh thành nhà máy xử lý chất thải lớn nhất tại Sơn Tây

Ngày 4/10, Công ty Cổ phần dịch vụ Môi trường Thăng Long đã đã tổ chức Lễ khánh thành giai đoạn 2 Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây, với công suất xử lý 400 tấn/ngày đêm ở Hà Nội.
Hà Nội khánh thành nhà máy xử lý chất thải lớn nhất tại Sơn Tây ảnh 1Khánh thành Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ngày 4/10, Công ty Cổ phần dịch vụ Môi trường Thăng Long đã đã tổ chức Lễ khánh thành giai đoạn 2 Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây, với công suất xử lý 400 tấn/ngày đêm tại xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.

Dự án nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây được xây dựng trên khoảng diện tích 2 hécta (chưa bao gồm hạ tầng kỹ thuật phụ trợ), với tổng mức đầu tư là 160 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần dịch vụ Môi trường Thăng Long làm chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Phúc Thành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Môi trường Thăng Long cho biết, từ năm 2008, doanh nghiệp xã hội hóa này đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ xử lý rác bằng công nghệ mới giảm chôn lấp.

Sau hai năm vừa nghiên cứu lý thuyết, vừa thực nghiệm công nghệ từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn đối với chính thành phần rác, phương thức thu gom rác thực tế của Hà Nội, Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long đã hoàn thành công trình nghiên cứu “Công nghệ đốt rác có thu hồi nhiệt.”

Ứng dụng kết quả nghiên cứu công nghệ, từ năm 2010, Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện đầu tư dây chuyền xử lý rác thải (giai đoạn 1), với công suất 300 tấn/ngày tại Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây. Quá trình thiết kế thiết bị, xây dựng nhà xưởng được thực hiện trong gần 2 năm và dây chuyền này đã được vận hành chính thức xử lý rác cho thành phố từ 1/2012.

Song song với việc thiết kế cải tạo thiết bị dây chuyền xử lý rác thải thế hệ 1, Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ và thiết kế thiết bị thế hệ 2 để báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép đầu tư giai đoạn 2 dây chuyền xử lý rác mới có công suất xử lý 400 tấn/ngày.

“Công trình nhà máy xử lý rác Sơn Tây hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô, là công trình rất có ý nghĩa mà tập thể hơn 1.300 cán bộ công nhâm viên của công ty đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường Thủ đô Hà Nội,” ông Thành khẳng định.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ khánh thành nhà máy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh, công nghệ đốt rác có thu hồi nhiệt của Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây là một công trình khoa học, áp dụng theo công nghệ mới của các nước tiên tiến trên thế giới về xử lý môi trường đang triển khai hiệu quả.

Việc hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác Sơn Tây với 2 dây chuyền xử lý rác có tổng công suất 700 tấn/ngày sẽ góp phần tích cực thực hiện các chỉ tiêu bảo vệ môi trường của thành phố Hà Nội đồng thời là điều kiện góp phần đảm bảo hoàn thành tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cũng lưu ý, đến nay, Dự án bước đầu đã thành công, song trong quá trình vận hành, Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long cũng phải nắm bắt các tiêu chí về xử lý rác thải một cách chiến lược hơn đồng thời phải duy trì và đảm bảo môi trường đối với người dân địa phương../.

Theo kết quả khảo sát của Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng chất thải rắn thông thường phát sinh trong cả nước hiện nay vào khoảng 28 triệu tấn/năm, trong đó chất thải rắn sinh hoạt khoảng 19 triệu tấn/năm.

Dự báo, đến năm 2015, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các đô thị ước tính khoảng 37 nghìn tấn/ngày và năm 2020 là 59 nghìn tấn/ngày cao gấp 2-3 lần hiện nay. Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay đang thực hiện bằng các công nghệ sinh học, đốt và chôn lấp.

Tại Hà Nội, mỗi ngày lượng rác thải đổ ra môi trường ước tính từ 5.000-5.500 tấn/ngày. Hiện, thành phố này đang áp dụng công nghệ chôn lấp, thực hiện với khối lượng 3.700 tấn; công nghệ đốt và sinh học đang thực hiện với khối lượng khoảng 600-700 tấn thu gom mỗi ngày.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục