Hà Nội: Khuyến khích dạy, học bơi để phòng chống đuối nước cho trẻ em

Trong dịp Hè 2024, hầu hết các bể bơi trên địa bàn Thủ đô được đầu tư cơ sở vật chất, thường xuyên tổ chức các hoạt động bơi lội và mở các lớp phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em.
Cho trẻ học bơi từ sớm là cách hữu hiệu để phòng chống đuối nước. (Ảnh: Tuấn Hùng/Vietnam+)

Mỗi khi vào Hè, cụm từ “đuối nước” lại gây nhiều ám ảnh cho các bậc phụ huynh. Hàng chục vụ đuối nước thương tâm xảy ra liên tiếp trên cả nước. Nó không chỉ tước đi sinh mạng của nhiều em nhỏ, mà còn để lại những nỗi đau thương mất mát cho gia đình và cả xã hội.

Ám ảnh đuối nước

Tại Hà Nội, gần đây nhất, ngày 29/4/2024 đã xảy ra một vụ đuối nước hết sức thương tâm trên địa bàn quận Long Biên khiến 2 học sinh lớp 11 tử vong.

Nguyên nhân xuất phát từ việc một nhóm học sinh rủ nhau ra khu vực bãi sông Hồng, đoạn mố cầu Vĩnh Tuy chơi và tắm sông. Khi đang tắm, 2 em đã bị nước cuốn trôi mất tích. Sau nhiều giờ tìm kiếm, các lực lượng chức năng đã tìm thấy 2 thi thể và đưa lên bờ.

Trước đó mấy ngày, một bé trai 2 tuổi tại Hà Nội sang nhà hàng xóm chơi, không may ngã xuống hồ nuôi cá koi sâu 1,2m. Sau khoảng 8 phút đuối nước bé mới được phát hiện trong hồ cá koi và vớt lên đã trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở. Ngay sau đó, bé đã được sơ cứu và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện nhi Trung ương.

Tính riêng trong dịp nghỉ lễ từ ngày 27/4-1/5/2024, tại Hà Nội đã xảy ra 8 vụ đuối nước liên tiếp, cướp đi sinh mạng của 9 em đang trong độ tuổi thanh, thiếu niên.

Khu vực ao, hồ là nơi thường xuyên xảy ra đuối nước đối với các em nhỏ. (Ảnh minh hoạ: TTXVN phát)

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Còn theo thống kê của Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội, trong 3 năm từ 2021-2023, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước. Tỷ lệ trẻ em đuối nước tại Việt Nam hiện nay cao nhất Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển.

Dễ thấy, những vụ trẻ em chết đuối cứ liên tiếp xảy ra cho dù đã có rất nhiều cảnh báo từ phía chính quyền, ngành chức năng và các cơ quan thông tin truyền thông.

Theo các chuyên gia về y tế và trẻ em, nguyên nhân xảy ra đuối nước ở trẻ em phần lớn là do trẻ hiếu động, không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối. Bên cạnh đó, sự thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ… không có biển cảnh báo cũng là lý do khiến các em dễ bị đuối nước.

Về vấn đề này, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Tiến sĩ Angela Pratt cũng đưa ra nhận định: “WHO khuyến cáo chính phủ Việt Nam cần tập trung vào dạy cho trẻ em trong độ tuổi đến trường các kỹ năng bơi cơ bản, kỹ năng an toàn trong môi trường nước và kỹ năng cứu nước an toàn. Đây là các biện pháp có chi phí hợp lý, đã được chứng minh về hiệu quả trong việc giảm thiểu đáng kể nguy cơ đuối nước và bảo vệ tính mạng của trẻ em.”

Cùng với đó, Chính phủ cũng đề ra công tác phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030.

Khuyến khích trẻ tham gia học bơi

Hiện nay trên địa bàn thủ đô có hơn 300 bể bơi, góp phần quan trọng trong việc tạo điều kiện bơi và phổ cập bơi, nâng cao tầm vóc, thể lực cho trẻ em. Hầu hết các bể bơi được đầu tư cơ sở vật chất, thường xuyên tổ chức các hoạt động bơi lội, mở các lớp phổ cập bơi và phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Tại trường Thể thao thiếu niên 10/10 (Giảng Võ, quận Ba Đình), các lớp học bơi đã được khai giảng từ đầu tháng 6/2024. Tham gia các lớp học, các em được đào tạo những kỹ thuật bơi cơ bản: Bơi sải, bơi ngửa, bơi ếch… Học sinh sau khi kiểm tra đầu vào sẽ được chia nhóm theo trình độ: Nhóm làm quen nước, nhóm tập luyện kỹ thuật bơi thể thao và nhóm nâng cao. Mục tiêu đề ra là học sinh biết bơi phải đặt 2 tiêu chuẩn, gồm: bơi tối thiếu 25m và bơi đúng kỹ thuật.

Tại bể bơi Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đại diện bể bơi cho biết dự kiến sẽ khai giảng hơn 40 lớp dạy bơi trong dịp Hè 2024. Kết thúc lớp học, các em sẽ được cấp giấy chứng nhận; em nào chưa đủ điều kiện tốt nghiệp sẽ tiếp tục được học thêm miễn phí cho đến khi biết bơi.

Huấn luyện viên hướng dẫn động tác sải tay bơi ếch tại một lớp học ở bể bơi Tăng Bạt Hổ. (Ảnh: Tuấn Hùng/Vietnam+)

Gần 10 năm dạy bơi tại bể bơi Tăng Bạt Hồ, thầy giáo Nguyễn Văn Hiệp mỗi ngày dạy 6 lớp cho các bé từ 6-12 tuổi trong cao điểm mùa Hè. “Phần lớn các em học bơi nhanh, tiếp thu tốt, sức khỏe dẻo dai. Tuy nhiên, sẽ có những bé thể trạng yếu, học bơi khá khó khăn, cần được thầy giáo hỗ trợ và chăm sóc kỹ lưỡng hơn,” thầy giáo Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ.

Ngày càng có nhiều phụ huynh ý thức được tầm quan trọng của việc cho trẻ học bơi, phòng chống đuối nước. Bà Phan Thị Huyền (quận Hoàn Kiếm) hằng ngày đưa 4 cháu ngoại đi học bơi vào mỗi buổi sáng kể từ khi các cháu được nghỉ Hè.

“Hè nào các cháu cũng được đi học bơi. Nhờ học bơi, các cháu khỏe hơn, cao hơn, tự tin hơn trong giao tiếp. Đặc biệt cháu út nhà tôi rất nhát nước, mà chỉ qua vài buổi học đã không những không sợ nước mà còn rất thích đi bơi,” bà Huyền cho hay.

Đặc biệt, nhằm triển khai chương trình phổ cập bơi cho thanh thiếu nhi, Cung Thanh niên Hà Nội phối hợp với Công ty Cổ phần Thể thao và giải trí Bằng Linh dự kiến tổ chức lớp học bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại bể bơi Tăng Bạt Hổ để phòng chống đuối nước, lớp sẽ khai giảng vào đầu tháng Bảy tới.

“Dự kiến các lớp sẽ dạy bơi miễn phí cho khoảng 200 trẻ em trên địa bàn thành phố. Đây là hoạt động thường niên của đơn vị phối hợp với Cung thanh niên. Chương trình và chất lượng đào tạo sẽ tương tự với các khóa học có thu phí,” ông Phạm Ngọc Trung, Giám đốc Dự án phổ cập bơi thuộc Công ty Cổ phần Thể thao và giải trí Bằng Linh cho biết.

Để phong trào học bơi đi vào chiều sâu, trở thành thói quen của nhiều người, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đã đề nghị các quận, huyện, thị xã cần tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh phong trào luyện tập môn bơi; có kế hoạch tuyên truyền, tổ chức các hoạt động môn bơi trong dịp hè cho trẻ em nói riêng và nhân dân nói chung; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chuyên môn đảm bảo vệ sinh, an toàn đối với các cơ sở tổ chức bơi, lặn, vui chơi giải trí dưới nước trên địa bàn; rà soát, cảnh báo nguy cơ mất an toàn cho trẻ tại cộng đồng, tại các khu vực hồ, ao, sông, ngòi…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục