Hà Nội khuyến khích xã hội hóa chỉnh trang, làm đẹp đô thị

Để tránh lãng phí, thực hành tiết kiệm trong tổ chức các hoạt động lễ lạt, chỉnh trang, làm đẹp đô thị, Hà Nội đã tính đến việc xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế, nhân dân cùng tham gia.
Đoàn thanh niên làm sạch con đường gốm sứ ven đê sông Hồng. (Ảnh minh họa: Dương Giang/TTXVN)

Việc tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014) được thành phố Hà Nội xác định là một hoạt động lớn trên phương diện chính trị, kinh tế, xã hội.

Ngoài việc trích ngân sách 73 tỷ đồng để tổ chức, thành phố Hà Nội đang chỉ đạo các quận, huyện, thị xã, xem đây là đợt sinh hoạt sâu rộng tới cơ sở, tạo không khí vui tươi phấn khởi, thu hút các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia.

Để tránh lãng phí, thực hành tiết kiệm trong tổ chức các hoạt động lễ lạt, chỉnh trang, làm đẹp đô thị, Hà Nội đã tính đến việc xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế, nhân dân cùng tham gia.

Ngày 30/7, tại hội nghị triển khai các biện pháp tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho biết hướng đến xã hội hóa các hoạt động văn hóa, trước mắt Sở đã thành lập đề án thí điểm xã hội hóa việc trang hoàng hai địa điểm là khu vực xung quanh Nhà hát Lớn, Quảng trường Cách mạng tháng Tám và Hoàng thành Thăng Long.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nhấn mạnh việc xã hội hóa là rất cần thiết để thu hút nguồn lực, giảm áp lực khó khăn cho ngân sách.

Bên cạnh đó, xã hội hóa cũng sẽ góp phần giữ gìn, bảo quản các dự án đã triển khai một cách tốt hơn.

Hiện nay, từ chủ trương này đã thu hút nhiều đơn vị, trong đó có doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động bắn pháo hoa cũng sẽ được tính toán đưa vào xã hội hóa.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô là một cơ hội lớn để quảng bá, giới thiệu hình ảnh Thủ đô Hà Nội với đông đảo người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Đây không chỉ đơn thuần là hoạt động văn hóa, mà là hoạt động kinh tế, chính trị, đối ngoại lớn của Thủ đô. Vì vậy, hoạt động tiếp thị, quảng bá, thông tin tuyên truyền cần được chú trọng.

Ông Thảo cho biết thêm nhiều hoạt động sẽ được tổ chức trong dịp này, nhưng điều quan trọng là phải có ý nghĩa sâu sắc, lắng đọng và đảm bảo tiết kiệm, không phô trương, hình thức. Những chương trình đã được phê duyệt cần bố trí kinh phí kịp thời để các đơn vị triển khai đồng bộ.

Kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô, Hà Nội có rất nhiều hoạt động như: lễ míttinh, bắn pháo hoa tại 30 điểm; cầu truyền hình đặc biệt chủ đề “Hà Nội niềm tin và hy vọng”; cuộc thi giọng hát hay Hà Nội; Ngày hội văn hóa hòa bình; liên hoan sân khấu Thủ đô; giải chạy Báo Hà Nội; đua xe đạp mở rộng vì hòa bình; liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội; Phố sách; liên hoan phát thanh cơ sở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục