“Hà Nội là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có lợi thế vượt trội. Tận dụng được những lợi thế, Thành phố sẽ trở thành đầu tàu phát triển cho cả vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ cũng như cả nước.”
[Thủ tướng chỉ thị triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa]
Nhấn mạnh điều này tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển,” ngày 17/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Hà Nội nên trở thành hạt nhân của vùng giữ vai trò là cửa ngõ trao đổi hàng hóa ra thế giới.
Liên kết vùng chưa hiệu quả
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng chia sẻ, thành phố cảng này với vai trò cửa ra biển chính, sẽ hỗ trợ kết nối Thủ đô và các địa phương phía Bắc và Tây Nam Trung Quốc.
Ngoài ra, hệ thống cảng biển Hải Phòng cho phép hàng hóa đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ và ngược lại, do đó Hải Phòng mong muốn là “cầu nối” góp phần làm giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tại khu vực phía Bắc.
“Hải Phòng đã và đang thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc kết nối hàng hóa của các tỉnh vùng phía Bắc, tăng cường vị thế của vùng trong chuỗi cung ứng toàn cầu,” ông Thành nói.
Là một địa phương có kết nối vùng với Hà Nội, ông Đinh Chung Phụng Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Ninh Bình cho biết, Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nhằm đẩy mạnh liên kết hợp tác với Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Hơn nữa, vào năm 2020, Ninh Bình sẽ đăng cai Năm du lịch quốc gia với chủ đề “Con đường Di sản Thế giới của Việt Nam.” Để chuẩn bị tốt cho sự kiện này, ông Phụng cho hay, Ninh Bình chủ trương liên kết các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là với Hà Nội thông qua các hoạt động khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch địa phương, thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn.
Khẳng định “Hà Nội là thị trường trọng điểm đối với các sản phẩm nông sản từ các tỉnh lân cận. Liên kết vùng có yếu tố then chốt để cùng nhau phát triển bền vững, nhất là đối với những tỉnh trong vùng có điều kiện khó khăn hơn Hà Nội,” ông Hoàng Công Thủy – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ chỉ ra.
Nhận thức được tầm quan trọng đó và Phú Thọ đã nỗ lực nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối vùng, cả đường bộ và đường thủy. Song, ông Thủy vẫn thẳng thắn thừa nhận, việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối phát triển vùng của tỉnh còn bộc lộ những hạn chế. Các phương thức vận tải phát triển chênh lệch, vẫn tập trung vào đường bộ, chưa nối kết hài hòa giữa đường sắt, đường thủy với đường bộ. Không gian giao thông manh mún gây khó khăn cho việc nâng cấp hay hiện đại hóa.
“Trong thời gian tới để thúc đẩy liên kết vùng gắn với phát triển hạ tầng giao thông, Hà Nội với vai trò đầu tàu phát triển kinh tế của vùng nên tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ các tỉnh trong vùng đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông liên kết vùng cũng như giới thiệu các nhà đầu tư tại Hà Nội tìm hiểu, đầu tư trên địa bàn các tỉnh của vùng,” ông Thủy đề xuất.
Có chung quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra, các hoạt động liên kết của Hà Nội với các địa phương còn chưa có hiệu quả và bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Do đó, các doanh nghiệp chưa tham gia sâu vào chuỗi liên kết. Để phát bền vững, Hà Nội cần kết nối trong sự phát triển tổng thể vùng.
Vai trò của doanh nghiệp trong liên kết vùng
Đứng trước thực tế đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất, Thành phố Hà Nội cần tiếp tục đổi mới khoa học công nghệ, tranh thủ cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0. để phát triển đô thị.
Thêm vào đó, Thành phố nên tăng cường liên kết mạng lưới đô thị vệ tinh thông minh và phát triển hài hòa hệ thống giao thông, qua đó giải quyết lâu dài bền vững các vấn đề của đô thị hóa, di cư… đồng thời phối hợp các khu vực lân cận xây dựng các khu vực sản xuất lớn bên ngoài vành đai phát triển đô thị.
Theo Bộ trưởng, việc mở rộng liên kết không gian ngoại vùng và nội vùng với cả nước, quốc tế là cần thiết, bởi từ đó rút ngắn trình độ công nghệ với các nước phát triển, tăng cường liên kết địa phương theo cả chiều dọc và ngang, đan xen hợp tác và cạnh tranh.
“Trong giai đoạn tới, Hà Nội cũng cần xây dựng cơ chế liên kết tạo hành lang, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, bằng cách tạo điều kiện, định hướng, đưa ra tầm nhìn của chính quyền địa phương. Lấy điểm nhấn là vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy liên kết vùng. Đây là mắt xích quan trọng nhất cần được nhấn mạnh ngay từ khâu thiết kế, quy hoạch lập giải pháp triển khai thực hiện,” ông nói.
Trước những đề xuất trên, Chủ tịch Ủy ban thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định về định hướng liên kết vùng với các tỉnh, thành phố, theo đó sẽ xây dựng kế hoạch khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương để giải quyết các vấn đề chung (như xử lý môi trường, phát triển năng lượng xanh, khởi nghiệp, kết nối hạ tầng giao thông, tiêu thụ - chế biến nông, lâm, hải sản và du lịch).
Thực hiện thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Thành phố cũng cam kết, “Hà Nội tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, kiên định với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp. Thành phố sẽ tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mua bán, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các công nghệ xanh”./.