Hà Nội: Mưa lớn làm tràn bờ bao ở nhiều huyện, sẵn sàng sơ tán người dân

Mưa tiếp tục diễn ra trên diện rộng, mực nước các sông lên cao tại nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội khiến người dân chủ động di dời tài sản đến vị trí cao hơn.
Hình ảnh những con đò dọc ngang trên "đường" ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm như thế này đã hàng chục năm mới lặp lại (ảnh chụp lúc 14h10 ngày 11/9). (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Thành phố Hà Nội đã ban hành lệnh báo động lũ cấp hai tại 10 quận, huyện ven sông.

Mưa tiếp tục diễn ra trên diện rộng, mực nước các sông lên cao tại nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội. Sông Tích tại huyện Thạch Thất nước dâng cao đã tràn đê. Sông Đáy nước tiếp tục dâng cao tràn vào nhà các hộ dân ở thôn 1, xã Phù Lưu Tế, người dân chủ động di dời tài sản đến vị trí cao hơn.

Tình trạng tràn bờ bao xảy ra ở các đoạn Gò Sui-Bồ Nành xã Cần Kiệm, Cửa Đình xã Yên Lạc, Cần Kiệm xã Phú Lễ (huyện Thạch Thất).

Công ty Phát triển thủy lợi Sông Nhuệ cho biết sau khi vượt mức báo động 3, mực nước trên sông Nhuệ tiếp tục lên cao. Để đảm bảo an toàn, đơn vị đang chỉ đạo vận hành không quá 50% công suất các trạm bơm tiêu ra sông Nhuệ, giám sát chặt khu vực Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Quốc Oai, Thạch Thất cho biết, mực nước sông Tích lên cao, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất đã đạt trên báo động 3. Lực lượng chức năng ghi nhận một số vị trí bị tràn đê bao, đê bối như, Khoang Ông, Đồng Mạ và các xã Cấn Hữu, Tuyết Nghĩa, Minh Khai.

Nước sông Hồng dâng lên tràn qua con đường nối giữa 2 xã Thọ An và Thọ Xuân của huyện Đan Phượng (ảnh chụp lúc 12h33). (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Sáng 11/9, lũ trên sông Hồng đoạn chảy qua quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) lên nhanh khiến khu dân cư ven sông ngập sâu. Nhiều ngôi nhà tại phường Chương Dương khu vực ven sông ngập nặng, người dân phải dùng thuyền để di chuyển. Tại đường Chương Dương Độ, có những đoạn ngập hơn 1 m, rác thải trôi đầy đường.

Nhiều hộ dân tiếp tục vận chuyển, sơ tán đồ đạc, tài sản tới nơi an toàn. Một số người vẫn ra đường, chơi bóng chuyền, bất chấp trời mưa và nước ngập.

Những ngày qua, thanh niên Thủ đô cùng các lực lượng chức năng hỗ trợ triển khai biện pháp phòng, chống lũ, di dời tài sản, vật nuôi tại khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; đắp tường bao ngăn nước tràn vào nhà dân; dựng lúa bị đổ, bảo vệ hoa màu…

Sẵn sàng sơ tán người dân huyện Thanh Trì đến nơi an toàn

Do mực nước sông Nhuệ dâng cao dẫn đến tràn tuyến đê và sạt lở tại một số điểm đoạn qua xã Đại Áng, huyện Thanh Trì. Hiện nay, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo các đơn vị, Ủy ban Nhân dân xã Đại Áng huy động lực lượng trên 1.000 người xử lý khẩn cấp sự cố và sẵn sàng hỗ trợ sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Để bảo đảm an toàn, huyện Thanh Trì vận động, hỗ trợ 32 hộ dân tại vùng bị úng, ngập cục bộ ở các xã: Duyên Hà, Liên Ninh với 71 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thanh Trì duy trì tổ chức ứng trực 24/24 giờ; chủ động vận hành liên tục trạm bơm tiêu úng để hạ mực nước, giảm thiểu thời gian úng ngập trên địa bàn. Cùng với đó, huyện triển khai các biện pháp chống ngập úng nhằm bảo đảm khả năng tiêu thoát nước nhanh nhất, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Do hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn, trên địa bàn huyện Thanh Trì có 11 điểm ngập, úng tại khu dân cư ở các xã Ngọc Hồi, Tam Hiệp, Tứ Hiệp, Liên Ninh, Tân Triều. Tại một số khu vực như, đường dọc sông Hòa Bình, đường 1A khu vực kho 6, đường 25m - Triều Khúc-Tân Triều, đường Vũ Lăng khu vực Công ty Vinafco… xảy ra tình trạng ngập cục bộ.

Thống kê sơ bộ cho thấy tổng diện tích bị ngập của huyện Thanh Trì là 1.146 ha; diện tích lúa đã trổ bông bị ngập, đổ 950 ha tại các xã Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Liên Ninh, Hữu Hòa…

Lưu ý mức độ nguy hiểm và những thiệt hại khi mực nước sông Hồng chạm mức báo động 3, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Thanh Trì tập trung nguồn lực hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn do mưa lũ gây ra; trong đó, đặc biệt quan tâm người yếu thế, người già, trẻ em và gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Cảnh báo nguy hiểm trước lối vào trường THCS Liên Ninh, Thanh Trì. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Các lực lượng chức năng kiên quyết sơ tán những hộ dân sinh sống tại khu vực nguy hiểm ngoài đê đến nơi an toàn. Các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Thanh Trì có phương án chuẩn bị lương thực, thực phẩm; cung cấp đầy đủ nước sạch, thuốc chữa bệnh cho người dân phải sơ tán do mưa lũ.

Động viên, chia sẻ với lực lượng chức năng đang ứng trực tại khu vực đê xung yếu xã Đại Áng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy mong muốn, các lực lượng ứng trực nghiêm túc 24/24 giờ, triển khai nhanh, chính xác mọi chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, huyện Thanh Trì nhằm bảo đảm an ninh, an toàn về tài sản, tính mạng cho người dân trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục