Phản ánh tới phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, nhiều người dân sinh sống tại các tổ dân phố Nhật Tảo 1,2,3 phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay nhiều diện tích đào cảnh phục vụ Tết cổ truyền của họ đã bị chết khô dần.
Dẫn chúng tôi vào ruộng đào đang héo úa, bà Hoàng Thị Tuyết (tổ dân phố Nhật Tảo 1) không giấu nổi nỗi buồn. Trong số hơn 500 cây đào cảnh, gia đình bà đã “mất” khoảng 160 gốc, ước tính thiệt hại khoảng gần 100 triệu đồng.
“Đào bị héo đen, lá vàng úa rồi rụng dần chỉ còn trơ mỗi thân. Nông dân chúng tôi chăm bẵm cả năm chỉ mong một vụ Tết mà giờ lại gặp cảnh này nên xót xa lắm,” bà Tuyết cay đắng kể.
Theo chủ vườn đào này, nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do cây đào bị ngập úng kéo dài sau đợt mưa tháng 8/2019. Vì không chịu được nước nên một số lượng cây đã bị chết dần, chết mòn theo thời gian.
[Ngắm cận cảnh giống đào quý hiếm của làng hoa Nhật Tân]
Cũng giống như trường hợp của bà Tuyết, vườn đào của bà Đặng Thị Nhật cũng đã bị thiệt hại hơn 400 gốc.
“Để có được cành đào cho Tết, chúng tôi phải vất vả chăm bón từ 2 - 3 năm, mỗi cây có giá từ 500.000 – 1 triệu đồng. Giờ đào biến thành củi mục hết rồi. Vụ Tết năm nay coi như mất trắng,” bà Nhật chua xót.
Theo quan sát của phóng viên, các ruộng đào xứ Đồng Mới, Ruộng Lính, Bờ Chuôm (phường Đông Ngạc), số lượng đào thế, đào cành bị chết nhiều đến mức người dân còn chưa kịp nhổ bỏ.
Theo biên bản kiểm tra hiện trạng số lượng cây trồng bị thiệt hại của Ủy ban nhân dân phường Đông Ngạc thì có khoảng 30 hộ dân bị thiệt hại. Tổng số đào cành, đào thế, đào gốc thương phẩm bị chết khoảng 2.500 gốc. Nếu tính tổng số lượng quất cảnh, đào cảnh bị ảnh hưởng, đào giống bị chết thì người nông dân ở đây bị thiệt hại khoảng 4.000 gốc, chưa kể phần hoa cảnh, rau màu bị chết.
Một số hình ảnh do phóng viên ghi lại: