Hà Nội: Nhà dân ở hành lang đê Ba Vì có nguy cơ bị sạt lở xuống sông

Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì đánh giá với tình trạng sạt lở từ 1-2m lấn sâu về phía sân và công trình phụ của một hộ dân, công trình của hộ dân có nguy cơ bị sạt lở xuống sông là rất cao.
Hà Nội: Nhà dân ở hành lang đê Ba Vì có nguy cơ bị sạt lở xuống sông ảnh 1Vị trí sạt lở thuộc thôn Trung Hà, xã Thái Hòa (huyện Ba Vì) có xu hướng tiếp tục phát triển mở rộng tiến sát về phía chân đê hữu Hồng đe dọa tài sản, tính mạng của người dân. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Chiều 30/10, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết mưa lớn từ tối 28-30/10 với lượng mưa gần 200mm, dẫn tới khu vực bờ sông đê hữu Hồng tại K0+200 thuộc thôn Trung Hà, xã Thái Hòa tiếp tục sạt lở từ 1-2m lấn sâu về phía sân và công trình phụ của một hộ dân.

Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì đánh giá với tình trạng sạt lở trên, công trình của hộ dân có nguy cơ bị sạt lở xuống sông là rất cao.

[Hà Nội: Giải pháp trước mắt khắc phục sự cố sạt lở đê tại Ba Vì]

Ghi nhận tại hiện trường, khu vực sạt lở trên cách chân đê hữu Hồng khoảng hơn 20m, có hình cánh cung ôm lấy một khúc sông Hồng với những vết nứt chạy dài. Chiều rộng của vết nứt khoảng 10-20cm.

Bước đầu xác định khu vực sạt lở có tổng chiều dài 120 mét, rộng từ 7-10m, chiều sâu khoảng 12-13m, tạo thành vách đứng.

Khu vực sạt lở có nguy cơ đe dọa ảnh hưởng tới 8 hộ dân với 28 nhân khẩu đang sinh sống từ vài chục năm trước.

Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Toán (Trung Hà, Thái Hòa) ở trong phạm vi nguy hiểm nhất do chỉ cách khu vực sạt lở khoảng 10m.

Theo ông Nguyễn Văn Toán, sinh sống ở đây từ năm 1970, chưa bao giờ ông thấy cảnh tượng sạt lở đất lớn nhưng khoảng 19 giờ 40 phút ngày 25/9, trong cơn mưa lớn, mảnh đất vườn phía trước nhà ông bị cuốn trôi xuống dòng sông Hồng. Lo sợ đất có thể lở tiếp, ngay trong đêm, cả gia đình ông có 6 người đã được chuyển đến nơi an toàn hơn.

“Từ khi xảy ra vụ việc đến nay, các cấp chính quyền đã đến kiểm tra, quan tâm, chia sẻ và động viên các hộ dân. Đoàn liên ngành của thành phố đến khảo sát, tìm hiểu nhưng đã hơn 1 tháng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn, làm chúng tôi thêm lo lắng về sự an toàn khi sống tại nhà," ông Toán tâm tư.

Ông Phùng Văn Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thái Hòa, cho biết để đảm bảo tính mạng cho người dân, Ủy ban Nhân dân xã đã niêm phong ngôi nhà. Phía trên bờ, lối dẫn xuống khu vực sạt lở, địa phương đã cho chăng dây, lắp biển cảnh báo, bố trí người trực 24/24 giờ ngăn không cho ai đến gần.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì ngoài khu vực sạt lở trên, tại địa bàn còn có 4 khu vực sạt lở đất bờ sông.

Cụ thể, tại bờ hữu sông Đà đoạn chạy qua xã Sơn Đà có 2 vị trí gồm vị trí 1 từ K3+760 đến K3+830 dài 70m, sạt lở thêm về phía đê từ 3-5m; vị trí 2 từ K3+900 đến K4+100 dài 200m, tiếp giáp với kè Khê Thượng, sạt lở thêm về phía đê từ 10-15m.

Tuyến đê hữu Hồng có 2 vị trí, tại xã Phú Châu, vị trí K19+700 xuất hiện 1 hố sụt có đường kính từ 1,2-1,5m, sụt sâu 1-1,2m, làm hư hại nhà và công trình phụ của ông Nguyễn Tiến Loan; vị trí từ K4+250 đến K8+600 có chiều dài sạt lở là khoảng 450m.

Hiện trạng sạt lở đã ăn sâu vào phần đá lăng hộ chân kè, tạo thành vách đứng để lộ ra phần vải địa kỹ thuật lót mái, cơ kè, cách đê hữu Hồng từ 7-10m.

Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì cho nhận định hai tuyến đê hữu Hồng và hữu Đà có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc ngăn lũ từ sông Hồng và sông Đà vào địa bàn thành phố.

Tình trạng sạt lở đất hai tuyến đê trên địa bàn đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng sạt lở tiếp nên rất cần sự vào cuộc nhanh chóng, hiệu quả từ phía các cơ quan chuyên môn, đưa ra các biện pháp đảm bảo an toàn cho các tuyến đê, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục