Hà Nội: Nhiều hàng hóa, thực phẩm thiết yếu tăng theo giá xăng dầu

Việc mặt hàng xăng dầu tiếp tục lập đỉnh giá mới kéo theo nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm thiết yếu cũng bắt đầu điều chỉnh tăng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng Thủ đô.
Trứng gà, dầu ăn... là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu "nương theo" đà tăng của giá xăng dầu. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Từ 15 giờ ngày 21/6, các mặt hàng xăng dầu trong nước chính thức lập đỉnh mới. Theo đó, xăng E5 RON92 tăng 185 đồng/lít lên mức mới là 31.302 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 498 đồng/lít, cao nhất là 32.873 đồng/lít.

Xăng dầu tiếp tục tăng giá gây biến động thị trường và tạo ra thách thức lớn cho nhiều gia đình hiện nay, khi nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng “đu theo” đà tăng giá.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus tại các chợ truyền thống ở thành phố Hà Nội trong những ngày gần đây, nhiều mặt hàng như rau củ quả tăng từ 5.000-7.000 đồng. Đơn cử như rau muống tăng từ 25.000 đồng/mớ lên mức 30.000 đồng/mớ, bí xanh tăng từ từ 20.000 đồng/kg lên mức 25.000 đồng/kg, bắp cải tăng từ 18.000 đồng/kg lên khoảng 22.000 đồng/kg, cà chua tăng từ 20.000 đồng/kg lên khoảng 30.000 đồng/kg... Các loại rau củ khác như xà lách, cà rốt, khoai tây... cũng ghi nhận mức tăng tương tự.

[Thiết lập đỉnh mới, giá xăng RON95-III vượt 32.800 đồng mỗi lít]

Tại các cửa tiệm tạp hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng “nương theo” giá xăng dầu. Trong đó, sản phẩm trứng gà vốn được nhiều tiểu thương đánh giá là ổn định cũng tăng từ 5.000-7.000 đồng/chục, lên mức 35.000 đồng/chục.

Một số sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khác cũng tăng giá như dầu ăn Simply tăng 15.000 đồng, lên mức 79.000 đồng/chai 1 lít; mì tôm Omachi tăng 20.000 đồng, lên mức 250.000 đồng/thùng 80g 30 gói; nước mắm Nam Ngư tăng 5.000 đồng, lên mức 44.000 đồng/chai 750ml...

Chị Tư Liên, người dân quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu tăng là các loại chi phí vận chuyển, giá cả hàng hóa cũng tăng theo. Tuy nhiên khi giá xăng dầu “hạ nhiệt” thì giá cả hàng hóa vẫn lỳ lợm đứng yên ở mức cao, khiến bài toán chi tiêu càng thêm nan giải với người tiêu dùng.”

Trong nỗ lực giảm gánh nặng từ giá xăng dầu, nhiều cửa hàng thường tính phần chi phí vận chuyển vào giá thành sản phẩm của khách hàng. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra “tác động ngược” khiến nhiều tiểu thương bị giảm lượng hàng bán ra hàng ngày.

“Để tối ưu doanh thu nên tôi chủ động tự giao hàng cho khách thay vì đặt grab, nhưng cũng chỉ lãi được khoảng 20.000 đồng/đơn, trong khi tiền xăng đã hơn 30.000 đồng/lít,” chị Mai Nga, chủ tiệm tạp hoá ở phố Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngán ngẩm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục