Hà Nội nỗ lực đảm bảo chất lượng dạy học trong năm học “đặc biệt”

Dù có nhiều điều đặc biệt do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành giáo dục Hà Nội vẫn quyết tâm, nỗ lực vượt khó, hỗ trợ tối đa cho học sinh và đồng lòng, tự tin bước vào năm học mới.
Hà Nội nỗ lực đảm bảo chất lượng dạy học trong năm học “đặc biệt” ảnh 1Hà Nội đang thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch, nhưng phần lớn học sinh đã nhận được sách giáo khoa nhờ nhiều hình thức vận chuyển khác nhau. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Năm học 2021-2022 là một năm học “đặc biệt” của học sinh Hà Nội. Các em sẽ dự lễ khai giảng chung, được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình vào ngày 5/9.

Càng đặc biệt hơn nữa khi ngay từ ngày đầu tiên sau khai giảng, học sinh toàn thành phố bắt đầu học kỳ I bằng hình thức học trực tuyến.

Dù có nhiều điều đặc biệt do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song ngành giáo dục Hà Nội vẫn quyết tâm, nỗ lực vượt khó, hỗ trợ tối đa cho học sinh và đồng lòng, tự tin bước vào năm học mới, không để những khó khăn của dịch làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dạy học.

Nỗ lực, đồng lòng vượt khó

Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục Hà Nội có hơn 2,1 triệu học sinh mầm non và phổ thông. Đây không phải lần đầu tiên các trường triển khai dạy trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Với kinh nghiệm qua nhiều đợt dịch bùng phát, các trường học ở Hà Nội đã chủ động xây dựng phương án dạy học, chuẩn bị điều kiện cần thiết để có thể tổ chức dạy học trực tuyến ngay từ ngày 6/9.

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Thị Thu Hảo, đối với học sinh lớp 1, để giúp các em không bỡ ngỡ với môi trường học tập mới khi vừa chuyển từ cấp học mầm non sang, giáo viên nhận lớp sẽ tổ chức “Tuần lễ khởi động” gồm những hoạt động làm quen, tổ chức trò chơi đơn giản, gần gũi. Thông qua tuần lễ này, giáo viên hiểu rõ hơn về những thông tin liên quan đến từng học sinh.

Bản thân học sinh cũng biết mặt giáo viên và các bạn cùng lớp. Cũng trong tuần lễ khởi động này, các giáo viên đưa ra kế hoạch và biện pháp cụ thể nhằm phối hợp với phụ huynh trong việc hỗ trợ cho học sinh bằng việc tổ chức một số buổi họp trực tuyến trên phần mềm zoom.

Còn tại Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông), nhà trường dành từ 1 đến 2 tuần đầu để học sinh làm quen với nền nếp, cách tương tác với cô, với bạn, sau đó mới triển khai kế hoạch học tập, ưu tiên thực hiện nội dung theo phương châm "dễ trước, khó sau."

Cũng có nhiều trường tiểu học yêu cầu giáo viên tổ chức gặp mặt học sinh qua phần mềm trực tuyến trước khai giảng vài ngày. Học sinh được làm quen với giáo viên mới, phương pháp, kỹ năng học tập trực tuyến. Trong các buổi gặp gỡ này, giáo viên sẽ nhắc lại quy định phòng, chống dịch COVID-19 và thông điệp “5K” của Bộ Y tế.

Đến nay, cơ bản các trường học đã xây dựng xong thời khóa biểu học trực tuyến và giáo viên chủ nhiệm lớp đã phổ biến đến phụ huynh qua nhóm lớp.

Các nhà trường thực hiện việc chuyển sách giáo khoa đến cho học sinh bằng nhiều hình thức, đảm bảo quy định phòng, chống dịch. Có trường đóng gói và chuyển theo đường bưu điện, cũng có trường chuyển sách giáo khoa thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh để hạn chế tối đa phụ huynh đến trường nhận sách.

Một số trường chuyển sách giáo khoa tới các chốt kiểm dịch tại từng thôn, xóm rồi thông báo cho phụ huynh học sinh đến nhận. Mỗi bộ sách giáo khoa được đóng gói bằng bao bì nilon, phun khử khuẩn trước khi giao đến tay phụ huynh học sinh.

Em Trần Nguyễn Thái An, học sinh lớp 9A4, Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết, năm nay là năm cuối cấp nên em khá lo lắng khi phải học trực tuyến ngay từ đầu năm học. Tuy nhiên, qua các đợt học trực tuyến trước đó, em đã rút ra được kinh nghiệm để thu nhận kiến thức một cách hiệu quả cũng như bố trí thời gian ôn tập cho kỳ thi vào lớp 10 trong năm học tiếp theo.

Hỗ trợ tối đa học sinh khi học trực tuyến

Mặc dù việc dạy học trực tuyến không mới, song trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều người dân gặp khó khăn trong cuộc sống nên đã ảnh hưởng phần nào đến việc chuẩn bị các điều kiện về thiết bị cho con. Một số gia đình cho con về quê nghỉ hè, đến nay không thể đưa con trở lại Hà Nội do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.

Hà Nội nỗ lực đảm bảo chất lượng dạy học trong năm học “đặc biệt” ảnh 2Nhiều trường học trên địa bàn Thủ đô phối hợp với Đoàn thanh niên sở tại để hỗ trợ chuyển sách giáo khoa tới học sinh trước ngày khai giảng năm học mới. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Chị Vũ Thị Lanh (quận Cầu Giấy) cho biết chị cho con về quê nghỉ hè với ông bà nội từ tháng 6. Khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội 3 đợt liên tiếp, kéo dài qua ngày khai giảng, chị đã gửi sách giáo khoa cho con qua đường bưu điện và nhờ họ hàng ở quê chuẩn bị các thiết bị học tập cần thiết để con có thể tham gia lớp học trực tuyến.

“Tôi khá lo lắng khi con không có bố mẹ bên cạnh như những lần học trực tuyến trước nhưng qua trao đổi với giáo viên, nắm được quy trình dạy học, tôi yên tâm hơn và dặn con tự tin bước vào năm học mới. Gia đình tôi xác định, trong thời điểm này, học trực tuyến là giải pháp tốt nhất cho các con nên sẽ hỗ trợ hết sức để việc học của con được hiệu quả,” chị Vũ Thị Lanh chia sẻ.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh, phòng đã chỉ đạo các trường học công lập tạo điều kiện tiếp nhận những học sinh đang cư trú trên địa bàn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 chưa thể về nơi thường trú. Các trường sẽ tổ chức tiếp nhận, xếp lớp và hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng, thiết bị học tập, bảo đảm để học sinh tham gia học trực tuyến ngay từ ngày đầu tiên.

Ba Vì là địa bàn xa trung tâm, trong khi lại có tới 112 trường học. Tỷ lệ học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 5%, nhiều học sinh chưa có đủ thiết bị học tập để học trực tuyến.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, phòng đã chỉ đạo các nhà trường phát động phong trào ủng hộ trong phụ huynh học sinh và huy động từ nguồn xã hội hóa.

Các trường đã quyên góp được 168 điện thoại thông minh, 47 máy vi tính, 15 tivi… Các trường trên địa bàn huyện đã nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ từ các trường học của quận Ba Đình về máy tính, máy chiếu.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, Sở đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng phương án dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế, tiếp tục khắc phục khó khăn để dạy học trực tuyến cho tất cả học sinh, kể cả lớp 1.

Bên cạnh đó, các nhà trường cần tăng cường bồi dưỡng cho giáo viên về phương pháp dạy học, kỹ năng đánh giá, xây dựng bài giảng trực tuyến để dạy học hiệu quả hơn năm trước.

“Việc học trực tuyến là giải pháp phù hợp nhất để bảo đảm an toàn cho học sinh trong thời điểm này và có thể phải triển khai lâu dài trong năm học 2021-2022. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh cần có sự phối hợp tốt nhằm hướng dẫn học sinh kỹ năng học trực tuyến để công tác dạy học đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, trong thời gian tới, các nhà trường cần tiếp tục quan tâm, rà soát, kịp thời hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng học tập, sách giáo khoa cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, con của gia đình chính sách... để học sinh nào cũng được tham gia học trực tuyến,” ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục