Hà Nội nới giờ kinh doanh: Đừng để tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa"

Theo các chuyên gia, thí điểm này sẽ mở ra cơ hội cho ngành du lịch nhưng họ cũng lo ngại trước viễn cảnh chính sách bị phá sản do thiếu các hành lang pháp lý và sự phối hợp đồng bộ từ các bên.
Nới giờ giới nghiêm sẽ tạo cơ hội cho du lịch Hà Nội phát triển? (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bắt đầu từ hôm nay (1/9), Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ chính thức thí điểm cho phép các nhà hàng, quán bar trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được hoạt động kinh doanh đến 2 giờ sáng vào 3 ngày cuối tuần.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thí điểm này sẽ mở ra cơ hội kinh doanh và tăng trưởng cho ngành du lịch. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại trước viễn cảnh “chính sách bị phá sản” do thiếu các hành lang pháp lý và sự phối hợp đồng bộ từ các bên liên quan.

Cơ hội vàng cho dịch vụ và du lịch

Theo Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 1/9, thành phố sẽ chính thức thí điểm​ cho phép các nhà hàng, quán bar được hoạt động tới 2 giờ sáng ngày hôm sau. Bước đầu, “thử nghiệm” sẽ chỉ được tiến hành trong 3 ngày cuối tuần.

Đánh giá về chủ trương này, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đều cho rằng: Quyết định trên của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tạo cơ hội phát triển cho dịch vụ và du lịch nói chung.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam tỏ ra lạc quan trước viễn cảnh ngành du lịch sẽ có lực đẩy mạnh mẽ nhờ sự thay đổi trong tư duy và hoạch định chính sách của Hà Nội.

Theo ông Thắng, việc nới giờ tổ chức các dịch vụ vui chơi, giải trí trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là rất phù hợp vì Việt Nam là một trong những điểm đến an toàn cho du khách quốc tế. Nới rộng thời gian ​kinh doanh sẽ giúp cho những người làm du lịch, người cung cấp dịch vụ có thêm thời gian để hoạt động. Bên cạnh đó, du khách quốc tế và cả nội địa sẽ được thưởng thức và trải nghiệm không khí Hà Nội về đêm, vốn được coi là một phần của không gian du lịch Thủ đô.

“Đây sẽ là cơ hội để tăng thêm thời gian lưu trú của khách tại Hà Nội. Vì ngoài thời gian đi thăm quan những địa điểm văn hóa, lịch sử vào ban ngày, họ sẽ có thêm cơ hội được thư giãn và giải trí vào ban đêm,” Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam phân tích.

Không đợi nới giờ kinh doanh, hàng quán vẫn tấp nập sau 24 giờ.

Cùng chung quan điểm này, Giáo sư Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho rằng: Xét trên góc độ văn hóa hội nhập, việc Ủy ban nhân dân Hà Nội thí điểm mở rộng giờ kinh doanh sau 24 giờ là hết sức cần thiết. Lý giải điều này, Giáo sư Bền chia sẻ: “Phần lớn khách du lịch phương Tây do chênh lệch múi giờ với Việt Nam nên thường có xu hướng tìm đến các hoạt động du lịch vào ban đêm. Việc dỡ bỏ quy định ​này sẽ tạo động lực cho Hà Nội thu hút thêm khách nước ngoài, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.”

Thậm chí, các chuyên gia còn khẳng định: Việc tới tận 2016, Hà Nội mới mạnh dạn thí điểm các hoạt động kinh doanh sau 24 giờ là quá muộn. Ông Phùng Quang Thắng cho hay: Các nước trên thế giới từ rất lâu đã hình thành các tuyến phố về đêm với khung giờ kéo dài hơn; ngoài ra, còn có những khu chỉ hoạt động sau 24 giờ.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Trung Lương (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thuộc Tổng cục Du lịch Việt Nam) thậm chí còn “chê” quyết sách từ Hà Nội là quá chậm. Theo vị chuyên gia này, từ những năm 90 của thế kỷ trước, ngay khi có quy hoạch chiến lược về du lịch Việt Nam, ông cùng các đồng nghiệp đã liên tục đề xuất và kiến nghị các đề án với nội dung tương tự. Tuy nhiên, tất cả các đề nghị này đều bị…. bác bỏ.

“Càng mở rộng thời gian sẽ càng tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm về đêm. Do đó, họ cũng sẽ chi tiêu nhiều hơn, tăng hiệu quả kinh doanh du lịch,” Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Trung Lương phân tích.

Tuy nhiên, theo ông, vấn đề quan trọng hơn là cần quản lý và phối hợp quản lý để tránh tình trạng “phá sản chính sách.”

Đừng để bắt cóc bỏ đĩa

Mặc dù đều đánh giá chính sách mới của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là khá cởi mở và tích cực, tuy nhiên, các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại trước nguy cơ bắt cóc bỏ đĩa.

Trả lời VietnamPlus, ông Phạm Trung Lương thẳng thắn: “Lợi thì lợi nhiều rồi, cái đấy không ai bàn cãi, nhưng chúng tôi lo là nếu chính sách không đi kèm với biện pháp thực hiện thì sẽ như bắt cóc bỏ đĩa, từ đó tạo tậm lý nhờn, mất niềm tin.”

Cụ thể, ông Lương cho rằng: Nếu thành phố Hà Nội đề ra việc thí điểm thực hiện cho phép kinh doanh tại quận Hoàn Kiếm đến 2 giờ sáng, thì nhà hoạch định chính sách đồng thời cũng phải nghĩ đến việc phải rà soát lại quy hoạch du lịch mà địa phương đã có.

“Nếu ông thực hiện mở thời gian kinh doanh sau 24 giờ thì ông có nghĩ đến điểm nào ông cho phép không? Những khu đông dân cư mà nhạc nhẽo ầm ầm thì dân làm sao chịu được. Quan trọng trước khi thực hiện phải rà soát quy hoạch đã có. Những vị trí nào, khu vui chơi giải trí nào đã có thì phải rà soát hết,” chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu chính sách du lịch nhấn mạnh.

Du khách tấp nập trên phố Tạ Hiện, một trong những nơi sôi động về đêm nhất trên phố cổ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo ông Lương, việc rà soát và quản lý chặt điều kiện ban đầu của các cơ sở kinh doanh như vậy sẽ giúp Hà Nội tránh gặp phải những khiến kiện, đơn thư từ người dân khi chính sách được thực hiện.

Trên khía cạnh hoạch định chính sách, ông Lương cho rằng: Việc xây dựng chủ trương cần phải có lộ trình, có điều tra chi tiết về nhiều mặt.

“Đã làm là phải làm bài bản, không phải ngồi trên đưa ra chính sách rồi thôi,” ông Lương lo lắng.

Chia sẻ thêm, vị chuyên gia cho rằng: Công việc rà soát phải nhiều ngành, chính quyền địa phương phải vào cuộc. “Phường, Quận phải vào cuộc, cùng với mình đi điều tra, cùng với mình đưa ra phương án quản lý. Người dân cũng phải vào cuộc, phải điều tra xem người ta như nào, thái độ người ta như nào với chính sách này,” ông Lương chốt lại.

Từ góc độ du lịch, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cũng cho rằng: Việc cần làm nhất hiện nay để chính sách có thể đi vào cuộc sống là phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, người cung cấp dịch vụ và người làm tour. Sự phối hợp này sẽ giúp đưa ra những quy định rất rõ ràng đối với các bên, trên cơ sở đó sẽ tùy tình hình thực tế để có những thỏa thuận riêng về các vấn đề như tiếng ồn, an ninh trật tự.

“Tôi nghĩ rằng cần phải có những quy định cụ thể và chi tiết hơn, tất nhiên là không thể tuyệt đối được nhưng phải có khuôn khổ nào đấy để mọi người có thể đánh giá và nhìn nhận. Quan trọng nhất là phải có sự trao đổi và tham khảo giữa các bên cho phù hợp với thực tế,” ông Thắng góp ý.

Riêng đối với các công ty lữ hành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng: Các công ty này cần hợp tác tốt với chính quyền địa phương nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, đảm bảo đúng các quy định cụ thể về kinh doanh vì thời điểm sau 24 giờ là thời điểm hết sức đặc thù.

Bên cạnh đó, một loạt các vấn đề khác cũng sẽ đặt ra những dấu hỏi cho nhà quản lý trả lời như ô nhiễm môi trường, các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự…

Nhìn nhận tổng thể, Giáo sư Nguyễn Chí Bền cho hay: Chính sách mới là đúng đắn và cần thiết nhưng rõ ràng, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ, căn cứ vào năng lực quản lý.

“Năng lực quản lý đến đâu thì mở đến đó chứ không nên mở ra các hàng quán, tụ điểm ăn chơi ồ ạt. Nếu không quản lý tốt sẽ dẫn đến việc cuộc sống của người dân bị đảo lộn, tình hình an ninh trật tự phức tạp. Khi ấy, du lịch phát triển tới đâu chưa biết nhưng hình ảnh của Việt Nam trong mắt người nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng,” giáo sư Bền phân tích.


Cần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để nhân rộng

Đứng trước cơ hội phát triển ngành du lịch nói chung và các hoạt động lữ hành nói riêng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam ông Phùng Quang Thắng cho rằng: Hà Nội cần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm thực tiễn. Trên cơ sở này, xem xét đến việc mở rộng mô hình không chỉ 3 ngày cuối tuần mà ngay cả đối với các ngày trong tuần.

“Thực tế, các ngày trong tuần thường vắng du khách. Trên cơ sở thực tiễn, theo tôi, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nên xem xét mở rộng. Tất nhiên, vẫn cần sự đồng hành phối hợp tốt của tất cả các bên liên quan,” ông Thắng nói.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục