Hà Nội phấn đấu công nhận mới 70 trường chuẩn quốc gia

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết năm học 2022-2023 ngành phấn đấu hoàn thành kế hoạch xây dựng và công nhận mới 70 trường chuẩn quốc gia.
Hà Nội phấn đấu công nhận mới 70 trường chuẩn quốc gia ảnh 1Đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trường Tiểu học Lê Ngọc Hân đã được đầu tư cơ sở vật chất với trang thiết bị đồng bộ, hiện đại tạo môi trường học tập thuận lợi cho học sinh. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ngày 12/8, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Đồng thời, ngành tập trung phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai đảm bảo các dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch, chất lượng và hoàn thành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2022, công nhận mới 70 trường chuẩn quốc gia.

Theo đó, trong năm học tới, ngành Giáo dục Thủ đô sẽ triển khai có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của Hội đồng Nhân dân thành phố về “Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố;” trong đó lĩnh vực giáo dục và đào tạo dự kiến đầu tư 653 dự án với kế hoạch vốn 20.913,4 tỷ đồng.

Hiện Hà Nội đã hoàn thành rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tính đến hết tháng 6/2022, toàn thành phố có 2.835 trường với 70.199 lớp; 2.206.906 học sinh; 138.090 giáo viên; 72.796 phòng học. Công tác đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy và học tập được quan tâm. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố trình Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành 8 nghị quyết về lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

[Thi tốt nghiệp THPT 2022: Hà Nội có 3 thủ khoa, 401 bài thi 10 điểm]

Bên cạnh việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy và học tập, trong năm học 2022-2023, ngành Giáo dục Hà Nội xác định tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà. Ngành triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (lớp 8, 9 Trung học Cơ sở; lớp 11, 12 Trung học Phổ thông) và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 6, 7 Trung học Cơ sở; lớp 10 Trung học Phổ thông).

Năm học 2021-2022, trên địa bàn thành phố có 51 trường được xây mới, thành lập mới với tổng mức đầu tư khoảng 2.885 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 605 trường với tổng kinh phí gần 5.008 tỷ đồng; bố trí 1.464 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố và các quận, huyện, thị xã để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường trực thuộc. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao được tập trung thực hiện. Tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 64,3%, trong đó công lập là 79%.

Thành phố Hà Nội đã rà soát, trợ cấp, hỗ trợ, tặng quà 1.233 cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã tổ chức trao hơn 10.000 thiết bị với giá trị ước tính trên 30 tỷ đồng, giúp các em học sinh có điều kiện học trực tuyến.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ. Thành phố tổ chức triển khai Trung tâm điều hành giáo dục thông minh (IOC) phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn thành phố.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Trường TH School. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngôi trường hạnh phúc đích thực TH School

Hạnh phúc đích thực tại TH School không chỉ đến từ thành công trong học tập mà còn từ sự trưởng thành trong tính cách, sự tự tin, và lòng yêu thương, sẻ chia với những người xung quanh.