Hà Nội sẽ xử lý từ 7-10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông mỗi năm

Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021-2025 được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua với tổng kinh phí trên 1.864 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 10/12, trong khuôn khổ kỳ họp thứ ba, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua "Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025."

Chỉ tiêu cụ thể, hàng năm, thành phố phấn đấu xử lý từ 7-10 điểm thường xuyên ùn, tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông. Qua đó, góp phần giảm tai nạn giao thông từ 5-10%/năm trên cả ba tiêu chí (về số vụ, số người chết và số người bị thương).

Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, chương trình đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp, các đơn vị chức năng trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông.

Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải; xây dựng cơ chế chính sách và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải. Bên cạnh đó, rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thành phố Hà Nội.

[Giải quyết dứt điểm các điểm đen ùn tắc giao thông ở Hà Nội]

Thành phố cũng thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch xây dựng, huy động nguồn lực, bổ sung quỹ đất phục vụ giao thông; quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy hiệu quả tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có.

Cùng đó, mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác đào tạo, sát hạch cấp, đổi giấy phép lái xe, công tác đăng ký, đăng kiểm xe cơ giới, nâng cao chất lượng phương tiện và người lái xe cơ giới.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải, xây dựng hệ thống giao thông thông minh; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kiên quyết có hiệu quả các vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Tổng kinh phí để thực hiện chương trình mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là trên 1.864 tỷ đồng và được phân bổ theo từng năm.

Trong tổng vốn đó, năm 2021 kinh phí là 335,5 tỷ đồng (đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội bố trí để thực hiện trong năm 2021). Năm 2022 kinh phí là 343,5 tỷ đồng; năm 2023 kinh phí 402 tỷ đồng; năm 2024 là 426 tỷ đồng và năm 2025 là 359 tỷ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách thành phố.

Chương trình thực hiện từ năm 2021-2025. Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội giao Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Hằng năm tổng hợp, báo cáo Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội kết quả thực hiện tại kỳ họp cuối năm của Hội đồng Nhân dân thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục