Chiều 5/4, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố các đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) và Quy hoạch phân khu sông Đuống (R6), tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng) thuộc địa phận quận, huyện gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm.
Phát biểu tại buổi công bố, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết đây là các đồ án quy hoạch quan trọng, được sự quan tâm của nhân dân và các cấp, các ngành; góp phần cơ bản hoàn thành phủ kín 100% quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố.
Việc phê duyệt và công khai đồ án quy hoạch phân khu đô thị còn là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết cảnh quan kiến trúc quy hoạch trên địa bàn.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các địa phương nằm trong quy hoạch lập bản vẽ ranh giới tỷ lệ 1/500 các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ…, phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ trước đó.
Trước việc một số địa phương còn để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trong khu vực quy hoạch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện cần quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều, kè, bờ sông, đất bãi sông, bãi nổi theo đúng quy định của pháp luật về đê điều, chống lấn chiếm vi phạm, nhất là sau khi hình thành các tuyến đường ở bãi sông theo quy hoạch. Đồng thời có giải pháp quản lý khu dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ theo quy định; không để phát sinh thêm về diện tích đất ở, số hộ dân sinh sống ngoài đê, ngoài quy hoạch.
[Video] Toàn cảnh khu quy hoạch đô thị sông Hồng từ trên cao
Theo ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng thành phố Hà Nội, qua thống kê, hai bên sông Hồng hiện có khoảng 243.670 người (khoảng 66.195 hộ), hai bên sông Đuống có khoảng 14.000 người (khoảng 3.808 hộ).
Các đồ án quy hoạch phân khu đã xác định rõ các yếu tố hạ tầng cơ bản để cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ theo quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình theo quy hoạch chuyên ngành.
Quy hoạch cũng chỉ ra, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông.
Đáng chú ý, tại các khu dân cư được tồn tại, thành phố sẽ bố trí quỹ đất 5% diện tích để phục vụ nhu cầu di dân, giãn dân, tái định cư tại chỗ.
Đối với việc chỉnh trang, tái thiết đô thị trên nguyên tắc ưu tiên các công trình hạ tầng xã hội, cây xanh vườn hoa, sân chơi thể dục thể thao, công cộng đô thị, thương mại dịch vụ; công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bãi đỗ xe (phục vụ dân cư khu vực, mật độ xây dựng thấp, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định hiện hành).
Đối với nhóm nhà ở xây dựng mới sẽ thành phố sẽ nghiên cứu bố trí tại khu vực bãi sông phù hợp theo hướng thuận dòng chảy và địa chất thủy văn của sông, mật độ xây dựng thấp, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối hài hòa, khai thác các chất liệu kiến trúc truyền thống và bền vững, gìn giữ giá trị văn hóa bản địa, đồng bộ về hạ tầng.
Có mặt tại buổi công bố quy hoạch, ông Nguyễn Văn Nam (Hoàn Kiếm) vui mừng cho biết sau nhiều năm chờ đợi, quy hoạch hai bên sông cũng đã được phê duyệt.
Ông mong muốn, sau khi công bố, các cấp các ngành khẩn trương cụ thể hóa quy hoạch, sớm đưa quy hoạch vào cuộc sống, để tháo gỡ chỗ ở, không gian vui chơi, cảnh quan, hạ tầng... cho cư dân vùng bãi nói chung có cuộc sống tốt hơn./.