Thông tin thành phố Hà Nội dự kiến đề xuất Hội đồng Nhân dân thành phố tạm dừng hỗ trợ, thu học phí theo mức mới từ năm học 2023-2024, đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
Trong khi có khá nhiều phụ huynh đồng tình với chủ trương trên thì cũng có ý kiến cho rằng, thành phố cần có lộ trình trong việc giảm hỗ trợ để những hộ nghèo, hộ đông con trong độ tuổi đi học có thể thích nghi và điều chỉnh mức chi tiêu trong gia đình.
Căn cứ tạm dừng hỗ trợ học phí
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, thành phố Hà Nội xây dựng mức thu học phí trên căn cứ theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP và các điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay. Trong đó, khung học phí từ năm học 2023-2024 trở đi được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm và khả năng chi trả của người dân, nhưng không quá 7,5%/năm. Căn cứ khung học phí năm học 2023-2024, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu học phí cụ thể với mức tăng hằng năm không vượt mức trần quy định.
Bên cạnh đó, đời sống người dân đã ổn định sau dịch COVID-19, nền kinh tế dần phục hồi. Mức thu nhập bình quân năm 2022 của người dân thành phố Hà Nội đã tăng 7,01% so với năm 2021; chỉ số giá tiêu dùng năm 2022 tăng 3,4% so với năm 2021.
Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ bản tăng 20%, từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng.
Với hai căn cứ trên, thành phố Hà Nội dự kiến đề xuất Hội đồng Nhân dân thành phố tạm dừng hỗ trợ từ năm học 2023-2024 và áp dụng mức thu mới.
Thực tế, mức thu mới chính là mức học phí năm học 2022-2023 đã được Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thông qua từ năm 2022. Tuy nhiên, thời điểm đó, đánh giá đời sống người dân còn khó khăn sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Hà Nội đã chi ngân sách hơn 1.100 tỷ đồng để cấp bù phần chênh lệch và hỗ trợ 50% học phí. Do đó, số tiền thực đóng của phụ huynh năm học 2022-2023 không tăng so với trước.
[Sớm áp dụng chính sách học phí theo hướng tính đúng, tính đủ]
Với việc Hà Nội dự kiến giữ khung học phí và không tiếp tục chính sách hỗ trợ trong năm học 2023-2024, phụ huynh sẽ phải đóng nhiều tiền hơn.
Cụ thể, Hà Nội dự kiến mức thu học phí hàng tháng các cấp học từ năm học 2023-2024 được chia theo khu vực thành thị, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số miền núi, lần lượt như sau: Mầm non (300.000 đồng, 100.000 đồng, 50.000 đồng); Tiểu học (300.000 đồng, 100.000 đồng, 50.000 đồng); Trung học Cơ sở (300.000 đồng, 100.000 đồng, 50.000 đồng); Trung học Phổ thông (300.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng). Đây cũng là mức thu bằng mức sàn (mức thấp nhất) trong khung quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Đồng tình với chủ trương chung
Anh Bùi Văn Tiến Dũng (quận Long Biên), có con đang học lớp 8 cho rằng, Hà Nội đề xuất mức thu 300.000 đồng/tháng đối với học sinh cấp Trung học Cơ sở cũng không có gì mới, bởi mức thu này đã được quyết định từ năm học trước.
“Thực tế, đời sống của người dân sau dịch COVID-19 cũng đã dần ổn định, thu nhập cũng không còn quá khó khăn, nhất là tới đây, công nhân viên chức cũng được tăng lương. Việc xây dựng, đào tạo con người là cần thiết, cả xã hội nên cùng chung tay gánh vác và chia sẻ trách nhiệm,” anh Bùi Văn Tiến Dũng nói.
Cũng đồng tình với chủ trương của thành phố, bà Nguyễn Hồng Thúy, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Tân Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, Trường Tân Tiến thuộc khu vực nông thôn, trong thời gian COVID-19 được thành phố hỗ trợ học phí, các phụ huynh chỉ phải đóng 38.000 đồng/tháng/học sinh. Tuy nhiên, với đề xuất tăng mức thu học phí có thể áp dụng vào năm học tới, học phí sẽ lên mức 100.000 đồng/tháng/học sinh.
“Việc thành phố hỗ trợ học phí trong những năm dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của người dân là rất ý nghĩa. Tuy nhiên, hiện nay dịch đã được kiểm soát, đời sống của người dân ổn định, thành phố dừng hỗ trợ cũng hợp lý,” bà Nguyễn Hồng Thúy chia sẻ.
Việc thành phố dự kiến dừng hỗ trợ học phí cũng khiến một số phụ huynh băn khoăn, nhất là những gia đình thuộc diện hộ nghèo hoặc có đông con đang trong độ tuổi đi học.
Chị Bùi Lan Hương (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, gia đình chị có 3 con trong độ tuổi đi học nên việc phải đóng đầy đủ mức thu theo quy định sẽ buộc gia đình phải điều chỉnh, sắp xếp lại kế hoạch chi tiêu. Chị Hương cho rằng, thành phố nên có lộ trình trong việc giảm hỗ trợ để các gia đình có thời gian thích nghi, nhất là trong thời điểm này, giá điện vừa tăng và giá nước cũng có kế hoạch tăng trong thời gian tới.
“Đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách... năm học 2023-2024, thành phố tiếp tục áp dụng các chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, bảo đảm mọi đối tượng học sinh đều được hưởng công bằng trong tiếp cận giáo dục. Ước tính, tổng số trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí năm học 2023-2024 là 16.623 học sinh. Tổng kinh phí thực hiện chế độ miễn, giảm học phí theo mức thu học phí đề xuất dự kiến khoảng 16,6 tỷ đồng,” Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết./.