Thông tin từ Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết đơn vị đang triển khai thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ (về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030).
Với mục tiêu triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, Cục Thuế Hà Nội đã thực hiện triển khai thí điểm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Trên cơ sở quá trình triển khai, Cục Thuế sẽ tổng hợp đánh giá kết quả và nhân rộng công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn và tiến tới xây dựng Đề án cấp thành phố về Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên toàn Thủ đô.
Các nền tảng thương mại điện tử đẩy mạnh khai thác thị trường Việt Nam
Tại thị trường Việt Nam, TikTok đã vượt qua Lazada để trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai, chỉ sau nền tảng thương mại điện tử Shopee của Singapore.
Quận Hoàn Kiếm là trung tâm chính trị-hành chính, kinh tế, văn hóa của Hà Nội với những đặc trưng riêng của các khu phố cổ. Nơi đây tập trung số lượng lớn các hộ, cá nhân kinh doanh buôn bán sầm uất với đủ loại mặt hàng hóa, dịch vụ phong phú. Hiện nay, thương mại điện tử cũng là một phương thức kinh doanh phổ biến được các hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng tại địa bàn này.
Theo đó, quận Hoàn Kiếm được xác định là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, đặc biệt là Đề án số 06 của Chính Phủ. Theo đó, tỷ lệ khớp nối dữ liệu căn cước công dân và mã số thuế cá nhân trên địa bàn quận cơ bản đã hoàn thành và đạt 99,88% ở thời điểm hiện tại.
Trước đó, Cục Thuế thành phố Hà Nội cùng Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn. Mục tiêu tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật. Sau thời gian triển khai thí điểm tại quận Hoàn Kiếm, Chi cục Thuế thực hiện báo cáo kết quả, đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề xuất phương hướng, giải pháp thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Đến nay, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã đồng bộ được dữ liệu căn cước công dân và mã số thuế cá nhân với tỷ lệ khớp đúng với dữ liệu Bộ Công an là 92,76%. Và, việc đồng bộ dữ liệu này đã xây dựng được kho dữ liệu liên quan của tất cả những cá nhân, hộ kinh doanh có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.
Hiện, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu của hơn 320 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, 54 doanh nghiệp là sàn thương mại điện tử lưu trú, khoảng 21.500 doanh nghiệp, trên 16.500 hộ kinh doanh và hơn 80.600 cá nhân tiền lương, tiền công bán hàng trên các sàn Shopee, Tiki, Lazada, thu thập khoảng 110.000 tài khoản ngân hàng, định danh hơn 591.200 shop... Trong ngành, Cục Thuế thành phố Hà Nội cũng là đơn vị đầu tiên khớp nối thông tin giữa căn cước công dân của các cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử gắn với mã số thuế và đã xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin về số tài khoản ngân hàng, doanh thu, mức thuế, dòng tiền của các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, từ đó xác định đúng nghĩa vụ của người nộp thuế.
Bên cạnh đó, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thanh tra kiểm tra chuyên đề thương mại điện tử năm 2024 đối với tổng số 2.342 tổ chức, cá nhân. Kết quả bước đầu, Cục Thuế đã thực hiện rà soát và ra quyết định, thông báo theo quy trình kiểm tra là 1.749 tổ chức, cá nhân, theo đó đã xử lý 921 tổ chức, cá nhân và tăng thu ngân sách Nhà nước 104 tỷ đồng, giảm khấu trừ 43 tỷ đồng và giảm lỗ 59 tỷ đồng./.