Hà Nội: Trang trọng Lễ hội tưởng nhớ công đức thần Cao Sơn Đại Vương

Lễ hội đền Kim Liên và Lễ hội Đình Đại-Bạch Mai được tổ chức ngày 5/5 (16/3 âm lịch) để tưởng nhớ công đức của thần Cao Sơn Đại Vương - 1 trong 4 vị thần tứ trấn Kinh thành Thăng Long xưa.
Hà Nội: Trang trọng Lễ hội tưởng nhớ công đức thần Cao Sơn Đại Vương ảnh 1Màn sử thi về Thần tích Cao Sơn Đại Vương. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Ngày 5/5 (tức 16/3 âm lịch) đã diễn ra Lễ hội truyền thống Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn - đền Kim Liên (phường Phương Liên, quận Đống Đa) và lễ hội Đình Đại-Bạch Mai (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhằm tưởng nhớ công đức của thần Cao Sơn Đại Vương, 1 trong 4 vị thần tứ trấn Kinh thành Thăng Long xưa.

Tương truyền, thần Cao Sơn là con trai Lạc Long Quân và Âu Cơ, sinh ngày 16/3 âm lịch, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi, sau này trở thành bộ tướng thân cận của Sơn Tinh (tức Thánh Tản Viên).

Thần Cao Sơn Đại Vương chính là Đức Thượng đẳng tối linh, vị thần linh thiêng đã phù trợ giúp giữ yên nhà nước Văn Lang cổ đại, đánh bại quân tướng của tộc người Ân.

Thần Cao Sơn còn có công phù trợ Vua Lê Tương Dực dẹp yên nạn chuyên quyền ngoại thích và giành lại ngai vàng. Do có công với nước nên thần Cao Sơn được thờ là vị thần thứ hai trong đền núi Tản (đền Và ở Sơn Tây ngày nay).

Thần cũng được thờ tại đền Kim Liên và nơi này thờ phối hưởng nhị vị công chúa Tam tôn nữ động hồ Trưng Vương và Huệ Minh công chúa.

Công đức của thần Cao Sơn Đại Vương được ghi trên tấm bia đá đồ sộ, hiện dựng tại đền Kim Liên.

Năm Nhâm Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (tức năm 1772) trên bia đá có ghi bài minh: "Cao Sơn lừng danh, vòi vọi oai linh, hễ cầu tất ứng, ban khắp ơn lành, gặp thời vận rủi, trời sinh Thánh minh."

Hà Nội: Trang trọng Lễ hội tưởng nhớ công đức thần Cao Sơn Đại Vương ảnh 2Đội tế nam tiến hành tế Thượng đẳng thần Cao Sơn Đại Vương. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Lễ hội đền Kim Liên gồm nhiều nghi thức truyền thống. Sau nghi lễ, sau phần tế lễ, đọc chúc văn là phần dâng hương của các đại biểu, khởi chiêng, trống khai lễ.

Bên cạnh đó là màn biểu diễn trống hội Thăng Long và múa cờ hội, biểu diễn màn sử thi về thần tích Cao Sơn Đại Vương, biểu diễn múa tứ linh...

Hội đền Kim Liên có nhiều trò chơi dân gian truyền thống thể hiện nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng được người dân nơi đây, trân trọng, giữ gìn và trao truyền cho các thế hệ nối tiếp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương và giữ gìn thuần phong mỹ tục của vùng đất phía Nam Kinh thành Thăng Long xưa.

[Đón bằng xếp hạng Di tích QG đặc biệt Thăng Long tứ trấn-đền Kim Liên]

Đền Kim Liên được vua Lê Tương Dực cho xây dựng năm 1509. Ngoài các giá trị đặc sắc về kiến trúc, tại đền Kim Liên hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý giá như tấm bia đá khắc bài văn bia do sử thần Lê Tung soạn năm 1510, 39 đạo sắc phong của nhiều đời vua nhằm ghi nhận, ca tụng công lao của thần Cao Sơn…

Đây là những di vật đặc biệt giá trị, đồng thời cũng là những "cuốn sử biên niên" ghi chép đầy đủ lịch sử xây dựng, vị thần thờ phụng trong đền, đồng thời minh chứng cho sự ra đời của ngôi đền.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Phương Liên Trần Vũ Đại chia sẻ, với giá trị lịch sử, văn hóa, di tích đền Kim Liên, nơi phụng thờ Thượng đẳng tối linh thần Cao Sơn Đại Vương, là sự hội tụ kết tinh những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc.

Lễ hội đền Kim Liên thể hiện truyền thống đạo lý cao cả của người Việt Nam "Uống nước nhớ nguồn;" "Ăn quả nhớ người trồng cây," tôn kính và biết ơn các vị thần có công khai thiên lập địa, chế ngự thiên nhiên, phù trợ đánh giặc cứu dân, cứu nước.

Với ý nghĩa về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ tiêu biểu, ngày 18/1/2022, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Thăng Long tứ trấn, trong đó có đền Kim Liên được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Hà Nội: Trang trọng Lễ hội tưởng nhớ công đức thần Cao Sơn Đại Vương ảnh 3Lễ hội tưởng nhớ công đức của Cao Sơn Đại Vương tại Đình Đại-Bạch Mai. (Ảnh: Mạnh Khánh/Vietnam+)

Lễ hội Đình Đại-Bạch Mai tưởng nhớ Thành hoàng làng là thần Cao Sơn Đại Vương. Lễ hội diễn ra với nhiều nghi thức truyền thống như tế lễ, dâng hương của cán bộ và nhân dân địa phương, các hoạt động văn hóa... thu hút đông đảo người dân và khách thập phương tham dự.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Cầu Dền Hoàng Anh Tuấn bày tỏ, Lễ hội truyền thống Đình Đại-Bạch Mai là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong phường cùng sinh hoạt văn hóa, cầu mong một năm quốc thái dân an, góp phần vào việc giữ gìn, bảo vệ phát huy bản sắc của làng Bạch Mai xưa.

Đồng thời, cũng là dịp để các tầng lớp nhân dân tưởng nhớ đến vị thần Thành Hoàng làng với lòng thành kính, biết ơn.

Hà Nội: Trang trọng Lễ hội tưởng nhớ công đức thần Cao Sơn Đại Vương ảnh 4Lãnh đạo phường Cầu Dền nổi trống khai hội. (Ảnh: Mạnh Khánh/Vietnam+)

Các di tích trên địa bàn phường như chùa Liên Phái, chùa Hương Tuyết, Đình Đại được đầu tư, tôn tạo. Đặc biệt, Đình Đại-Bạch Mai ngày càng khang trang, phát huy được giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng của nhân dân.

Với tất cả các giá trị truyền thống lịch sử, ngày 13/2/1996, Đình Đại-Bạch Mai đã vinh dự được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các đôi bò bứt tốc về đích. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Tưng bừng Hội đua bò Bảy Núi An Giang năm 2024

Tham gia Hội đua bò Bảy Núi năm nay có 64 đôi bò đến từ các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, thị xã Tịnh Biên (An Giang) và các đôi bò đến từ huyện Giang Thành (Kiên Giang).

Festival Thu Hà Nội 2024

Festival Thu Hà Nội 2024

Với nhiều hoạt động sôi nổi, đầy màu sắc cùng giá trị truyền thống văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của mùa Thu Hà Nội, Festival Thu Hà Nội 2024 hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.