Sáng 16/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay; nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2021 và thời gian tới.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng huyện đã nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và người dân, nâng cao vai trò tự quản, tự chủ, lấy phòng là chính. Huyện Ba Vì đã thực sự là “vùng xanh” trong phòng, chống dịch bệnh.
Tính đến sáng 16/11, hơn 98% người dân trên 18 tuổi đã được tiêm vaccine mũi 1 và gần 90% đã tiêm mũi 2. Huyện cũng đã có kế hoạch sẵn sàng tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 12-17 tuổi. Từ ngày 8/11, huyện Ba Vì đã cho học sinh khối lớp 9 trở lại trường học. Sau một tuần, các trường đều thực hiện nghiêm túc, bảo đảm an toàn tuyệt đối, học sinh đều phấn khởi và chấp hành tốt quy định phòng, chống dịch.
Cùng với phòng, chống dịch COVID-19, huyện Ba Vì đã duy trì ổn định sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội. Giá trị sản xuất năm 2021 của toàn huyện ước đạt 26.080 tỷ đồng, bằng 85% so với năm 2020; thu ngân sách đạt gần 303 tỷ đồng, bằng 109% dự toán thành phố giao; tổng diện tích gieo trồng 3 vụ đạt 101% kế hoạch… Toàn huyện có thêm 16 doanh nghiệp và 125 hộ kinh doanh đăng ký mới; 17 làng nghề trong huyện tiếp tục được khuyến khích phát triển, mở rộng sản xuất…
Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì đã kiến nghị một số nội dung với thành phố, trong đó chủ yếu tập trung vào quy hoạch vùng huyện và quy hoạch sử dụng đất. Huyện Ba Vì đề xuất bổ sung 1 khu công nghiệp quy mô 300-500ha thuộc 2 xã Phú Cường, Tản Hồng và 1 cảng sông tại xã Tản Hồng. Huyện cũng mong muốn thành phố quan tâm bố trí nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, cấp nước sạch, tôn tạo các di tích lịch sử, đầu tư mạng lưới giao thông kết nối với các địa phương khác để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới…
[Ba Vì: Bảo vệ tốt vùng xanh, đẩy mạnh sản xuất, cung ứng hàng hóa]
Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của huyện Ba Vì trong thời gian qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, Ba Vì là một huyện đặc thù, chiếm trên 15% diện tích toàn thành phố và được chia thành 3 vùng rõ rệt. Huyện cũng có nhiều lợi thế, tiềm năng nổi trội, đặc biệt là du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, tâm linh và phát triển nông nghiệp xanh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý huyện Ba Vì một số vấn đề trọng tâm cần tập trung thực hiện từ nay đến hết năm 2021 và thời gian tới. Trong đó, cấp ủy, chính quyền huyện cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm khoa học, hiệu quả, thiết thực, tập trung cải cách hành chính gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Đồng thời, Ba Vì cần tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tạo chuyển biến mạnh mẽ từ huyện xuống cơ sở. Cùng với đó, huyện cần làm tốt công tác tư tưởng, định hướng dư luận, nắm rõ tình hình nhân dân, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, nhất là các vụ việc liên quan đến quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Về phát triển kinh tế-xã hội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh thành phố sẽ tập trung cao độ phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội cho Ba Vì, nhất là đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, các di tích lịch sử, văn hóa... để tạo sức bật cho huyện phát triển.
Về các đề xuất, kiến nghị của huyện Ba Vì, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao cho Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo xem xét, giải quyết cụ thể, coi Ba Vì là địa bàn ưu tiên cần tập trung hỗ trợ để tạo bước phát triển bứt phá. Ông Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu, ngay từ đầu, huyện phải xác định rõ quyết tâm làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch chặt chẽ.
Với lợi thế về phát triển du lịch, bên cạnh việc đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, huyện cần đặc biệt quan tâm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Du lịch vẫn là mấu chốt của huyện để kéo theo các ngành kinh tế khác phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Cùng với đó, huyện tập trung phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch, dịch vụ…
Chiều cùng ngày, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây. Tại buổi làm việc, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh thị xã Sơn Tây là đô thị lâu đời, trung tâm của văn hóa Xứ Đoài, có bề dày truyền thống lịch sử, có vị trí chiến lược về quân sự, quốc phòng, có lợi thế là đầu mối giao thông.
Thị xã còn có lợi thế gắn với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội... Tiềm năng phát triển của thị xã không nhỏ, nhưng việc tận dụng, khai thác đến nay chưa đạt yêu cầu, chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của thị xã.
Ông Đinh Tiến Dũng cho rằng cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ và nhân dân thị xã Sơn Tây cần nhận thức sâu sắc hơn nữa những giá trị tiềm năng của quê hương để quyết tâm thay đổi từ tư duy đến hành động. Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây cần tập trung chỉ đạo để đẩy mạnh công tác quy hoạch, bảo đảm quy hoạch phải đi trước một bước, trong đó lấy cốt lõi, động lực phát triển của thị xã trong những năm tới là những giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, tâm linh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị thị xã Sơn Tây nghiên cứu những giá trị phi vật thể của văn hóa Xứ Đoài trở thành những sản phẩm cụ thể, từ đó gìn giữ, bảo tồn, nhân rộng, phát triển mạnh mẽ ngành kinh tế du lịch. Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của thành phố, Sơn Tây cần phát huy nội lực, tập trung đầu tư tạo đột phá về hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội, thiết chế văn hóa, hạ tầng du lịch... tạo động lực cho thị xã phát triển.
Theo Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh bằng các phương pháp, mô hình hiệu quả, thị xã Sơn Tây vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế từ đầu năm 2021 đến nay với tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 9,9%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thị xã đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 1 xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Thu ngân sách của thị xã đến ngày 15/11 đạt hơn 341 tỷ đồng, bằng 98% dự toán thành phố giao; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,2%...
Tính đến nay, thị xã vẫn giữ vững là “vùng xanh” an toàn. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố, thị xã đã khẩn trương triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tiếp tục duy trì 686 tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, duy trì mô hình “tổ liên gia tự quản,” sẵn sàng kích hoạt 17 trạm y tế lưu động.
Đáng chú ý, thị xã đã triển khai mô hình “Nơi cư trú an toàn” tại 118 thôn, tổ dân phố, 940 cụm dân cư, gần 37.500 hộ gia đình, 176 nhà trọ; mô hình “Chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi an toàn phòng, chống dịch”.../.