Theo giới chuyên gia địa chấn, trong trường hợp Hà Nội xảy ra động đất có độ lớn từ 4-5 độ richter, gần 1.600 khối nhà chung cư cũ, khu tập thể cũ đã có “tuổi thọ” quá cao, hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng ở trên địa bàn thành phố sẽ đứng trước nguy cơ bị đổ sập.
Vì vậy, giải pháp thiết lập hệ thống quan trắc động đất trên địa bàn Thủ đô, là việc làm cần thiết để giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra.
Hà Nội từng xảy ra động đất 5,3 độ richter
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Phó giáo sư, tiến sĩ Cao Đình Triều - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng, cho biết thành phố Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng-sông Chảy, nơi đã từng xảy ra các trận động đất có độ lớn từ 5,1-5,5 độ richter.
Thông thường, chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,3 độ richter ở thành phố Hà Nội là 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra cách đây hơn 700 năm (1285).
Tuy vậy, ông Triều cũng lưu ý Hà Nội là vùng có nền đất không tốt nên động đất cấp 8 cũng có nguy cơ. Lý do bởi nếu động đất xảy ra ở vùng đứt gãy sông Hồng-sông Chảy (đới động đất này đi qua thành phố Hà Nội) với số liệu tối đa ghi nhận được bằng trạm quan trắc ở cấp độ 6, thì khả năng tác động trong tự nhiên cũng có thể lên tới cấp độ 8.
“Vì thế, nếu động đất xảy ra ở Hà Nội sẽ gây ra các chấn động lớn. Chỉ cần xảy ra động đất với cường độ từ 4 độ richter trở lên, những tòa nhà chung cư cũ, khu tập thể cũ đã xuống cấp tại thành phố sẽ không thể chịu nổi,” ông Triều nhấn mạnh.
[Từ động đất ở Thổ Nhĩ kỳ: Hà Nội cần sớm cải tạo các khu chung cư cũ]
Vẫn theo ông Triều, ngoài nguy cơ xảy ra động đất lớn, khu vực Hà Nội cũng là vùng có nền đất không tốt nên dễ cảm nhận được rung chấn khi có động đất lớn ở nơi khác. Thưc tế thời gian qua cho thấy Hà Nội đã từng xuất hiện các đợt rung lắc do ảnh hưởng bởi dư chấn động đất từ các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc.
Gần đây nhất, vào khoảng 20 giờ 43 phút ngày 24/12/2021, nhiều người dân sống tại các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội đã cảm nhận có rung lắc mạnh. Nguyên nhân sau đó được xác định là do ảnh hưởng của trận động đất mạnh 5,5 độ richter tại Lào.
Bên cạnh các dư chấn động đất từ nước ngoài, trong những năm qua, tại nhiều địa phương trên cả nước cũng đã xảy ra hàng loạt trận động đất kích thích. Thậm chí, trong lịch sử, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện trận động đất mạnh lên tới 6,9 độ richter tại lòng chảo Điện Biên (năm 1935). Vì thế, theo ông Triều, tác động bởi dư chấn của những trận động đất lớn xảy ra ở trong nước cũng là mối nguy cơ tiềm ẩn.
Cần củng cố lại hệ thống quan trắc
Phó giáo sư, tiến sĩ Cao Đình Triều cho biết trước đây, Viện Vật lý Địa cầu cũng đã kiến nghị xây dựng một hệ thống trạm quan trắc động đất với tổng số 9 trạm quan trắc được lắp đặt rải rác tại các khu vực ở xung quanh Hà Nội để giám sát động đất cho thành phố.
Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành, hệ thống trên đã phải “bỏ” do 2 nguyên nhân. Thứ nhất là kinh phí không đủ để đảm bảo duy trì (sửa chữa, bảo dưỡng,…) mạng lưới các trạm quan trắc động đất.
Thứ hai là có sự chủ quan của các nhà khoa học bởi sau một thời gian dài giám sát, hệ thống cũng không ghi nhận, phát hiện trận động đất nào có cường độ đáng lo ngại, mà chủ yếu là ở mức rất nhỏ.
Dù vậy, ông Triều cũng lưu ý tại các nước phát triển như Trung Quốc, ở các thành phố lớn hay các khu công nghiệp lớn - họ đều có giám sát động đất cẩn thận; thậm chí giám sát mức độ biến dạng địa hình tại các khu vực công trình lớn.
Đặc biệt, tại nhiều nước phát triển như Trung Quốc còn có cả Luật về động đất. Trong khi đó, Việt Nam chưa có luật này nên hoạt động giám sát động đất thông qua việc lắp đặt các trạm quan trắc động đất tại các khu vực công trình vẫn còn giới hạn, ngoại trừ các công trình thủy điện hay hồ đập thủy lợi lớn.
Từ thực tế trên, ông Triều cho rằng thời gian tới, Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng cần để ý hơn tới câu chuyện kháng chấn đối với các công trình xây dựng, nhất là đối với công trình dân sinh (như chung cư cao tầng,…) để đảm bảo an toàn cũng như giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra, ảnh hưởng tới người dân.
“Tôi cho rằng tới đây chúng ta cần quan tâm tới việc củng cố, thiết lập lại mạng lưới trạm quan trắc giám sát động đất ở Hà Nội. Đây là điều rất quan trọng, bởi thời gian gần đây, cứ một trận động đất vừa xảy ra từ xa cũng khiến nhiều tòa nhà bị rung, có thể là do nền móng công trình ở Hà Nội hơi yếu,” ông Triều chia sẻ.
Nói thêm về ý nghĩa của việc lắp đặt các trạm quan trắc động đất, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho rằng đây là giải pháp rất quan trọng để ghi nhận số liệu cũng như phân tích, đánh giá về cường độ của các trận động đất tại thời điểm xảy ra; từ đó đưa ra các khuyến cáo cụ thể cho khu vực.
Dẫn ví dụ cụ thể tại 2 tỉnh thường xảy ra động đất kích thích trong 5 năm trở lại đây là Kon Tum và Quảng Nam, chuyên gia Nguyễn Xuân Anh cho biết đầu năm 2023, các đơn vị chủ đầu tư thủy điện đã phối hợp với Viện Vật lý Địa cầu lắp đặt 8 trạm quan trắc động đất.
Việc hoàn thành 8 trạm quan trắc trên đã và đang góp phần phục vụ công tác báo tin động đất kịp thời, thu thập đủ dữ liệu chi tiết về các trận động đất để nghiên cứu, đánh giá mức độ nguy hiểm. Trên cơ sở đó, các bên liên quan có trách nhiệm thực hiện ngay nhiệm vụ tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho nhà quản lý và người dân trên địa bàn và các khu vực lân cận./.