312 đối tượng đã hưởng sai chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công, là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết “Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng” do Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tổ chức ngày 20/8.
Thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng,” trong hai năm 2014-2015, Hà Tĩnh có tổng số đối tượng rà soát trên 66.390 người với 7 loại đối tượng được hưởng chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng như liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng và thanh niên xung phong.
Kết quả cho thấy, đối tượng hưởng đúng là 63.378 người, chiếm 95,46%; đối tượng hưởng chưa đầy đủ là 2.700 người, chiếm 0,4%; đối tượng hưởng sai, đối tượng có ý kiến của nhân dân, đối tượng hưởng không có hộ khẩu tại địa bàn là 1.475 người, chiếm 2,22%, trong đó có 312 người hưởng sai, chiếm 0,54%...
Ngay sau khi có kết quả rà soát, phát hiện 312 đối tượng hưởng sai chế độ, Ban chỉ đạo Tổng rà soát cấp tỉnh đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh cắt các chế độ trợ cấp đối với các đối tượng trên.
Đối với 2.700 đối tượng người có công nhưng chưa được hưởng chưa đầy đủ chế độ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tiến hành giải quyết đối với 1.614 người gồm các nhóm đối tượng như giải quyết trợ cấp thờ cúng liệt sỹ, trợ cấp ưu đãi hàng tháng tuất liệt sỹ…; số đối tượng còn lại hiện đang được Ủy ban Nhân dân tỉnh tiến hành rà soát và tiếp tục giải quyết dứt điểm.
Tại Hà Tĩnh, đợt Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng đã nhận được sự quan tâm tham gia tích cực của đông đảo nhân dân, nhiều cá nhân đã phản ánh thông tin có giá trị giúp đoàn công tác rà soát có hiệu quả.
Kết quả quan trọng và thành công nhất là qua Tổng rà soát, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện một cách sâu sắc trong quần chúng nhân dân và xử lý tồn tại trong thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và từng cá nhân đối với người có công, đảm bảo dân chủ, công khai kịp thời và đúng đối tượng./.